Suy Thận Nên Ăn Gì
Suy thận nên ăn gì và kiêng ăn gì đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Bởi khi mắc chứng suy thận, khả năng lọc và đào thải chất độc từ cơ thể ra bên ngoài của bệnh nhân rất kém. Vì vậy, việc tìm hiểu và xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, khoa học không những giúp hạn chế triệu chứng của bệnh mà còn hỗ trợ giảm những biến chứng không mong muốn sau này. Tham khảo ngay lời khuyên của chuyên gia Đông y – Lương y Đỗ Minh Tuấn (Thầy thuốc Nam tiêu biểu năm 2020) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bị suy thận
Theo một nghiên cứu gần đây cho biết, 40% bệnh nhân mắc suy thận bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do bệnh nhân kiêng khem sai cách, không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết để duy trì và tăng cường chức năng của thận. Vì thế, lương y Tuấn cho biết việc hiểu chưa đúng cũng như chưa nắm được nguyên tắc chung trong việc xây dựng thực đơn hàng ngày của bệnh nhân suy thận có thể làm giảm chất lượng cuộc sống sinh hoạt. Thậm chí, nó còn đẩy nhanh diễn tiến đến giai đoạn nặng hơn của bệnh.
Chế độ dinh dưỡng khoa học mà lương y Tuấn khuyên người mắc suy thận nên tuân theo bao gồm những nguyên tắc sau:
- Ít protein
- Giàu năng lượng
- Đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu
- Cân bằng lượng nước, muối, giàu canxi, ít phốt pho
Người bệnh có thể tham khảo mẫu thực đơn dưới đây theo chia sẻ của Học viện quân y 103:
- Độ nhạt: Lượng muối và mì chính trong khẩu phần hạn chế ở mức 2g/ngày.
- Lượng nước: Lượng nước tiêu chuẩn cho người lớn = lượng nước tiểu/ngày + (từ 500 đến 700ml). Lượng nước tiêu chuẩn cho trẻ nhỏ = lượng nước tiểu/ngày + 200 ml.
- Năng lượng: 30 – 35Kcal/kg/ngày dành cho người lớn và khoảng 70 – 80 kcal/kg/ngày dành cho trẻ nhỏ.
- Protein: Lượng protein giao động khoảng 0,6 – 0,8 kg/ngày.
- Khoáng chất và vitamin: Người mắc bệnh suy thận nên chú ý đến 3 chỉ số sau đây: Kali < 2000mg/ngày; Natri < 1500mg/ngày; Phốt pho từ 300 – 800mg/ngày.
Việc nắm rõ nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bệnh là vô cùng cần thiết. Vậy người bị suy thận nên ăn gì và kiêng gì để hoàn thiện một thực đơn khoa học? Theo dõi tiếp phần nội dung dưới đây để lắng nghe lương y Tuấn giải đáp.
Người bệnh suy thận nên ăn gì để tốt cho sức khỏe?
Làm thế nào để lựa chọn những sản phẩm phù hợp với điều kiện người bệnh cũng như nâng cao chức năng của thận? Đây đang là vấn đề được khá nhiều người quan tâm. Lương y Tuấn khuyên người bệnh có thể tham khảo một vài thực phẩm tốt cho thận được liệt kê sau đây:
Súp lơ
Súp lơ là loại rau có rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho người suy thận. Nó chứa lượng lớn vitamin C, vitamin K và vitamin B folate. Bên cạnh đó, loại rau này cũng có đầy đủ các hợp chất chống viêm như indoles và là một nguồn chất xơ dồi dào cho cơ thể. Trong 124g súp lơ nấu chín chứa tới:
- Natri: 19mg
- Kali: 176mg
- Phốt pho: 40mg
Bạn có thể hấp, luộc chín hoặc làm súp lơ nghiền ăn thay khoai tây.
Việt quất
Theo lương y Tuấn, việt quất vốn là loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng. Đây cũng là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tốt được gọi là anthocyanins. Chất chống oxy hóa này có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và bệnh tiểu đường.
Việt quất chính là loại quả lý tưởng để đưa vào danh sách những thực phẩm nên ăn cho người suy thận bởi chúng chứa hàm lượng ít natri, kali và phốt pho.
Trong 148g quả việt quất tươi chỉ chứa:
- Natri: 1,5mg
- Kali: 114mg
- Phốt pho: 18mg
Cá chẽm
Cá chẽm có chứa một hàm lượng lớn chất béo lành mạnh, hay còn gọi là omega-3. Omega-3 được biết đến là một loại khoáng chất tốt cho cơ thể, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, ngăn ngừa ung thư. Ngoài ra, chúng còn cung cấp lượng lớn Cholesterol tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, cá chẽm có hàm lượng phốt pho thấp hơn so với các loại hải sản khác.
Trong 85g cá chẽm đã nấu chín chứa:
- Natri: 74 mg
- Kali: 279mg
- Phốt pho: 211mg
Nho đỏ
Nho đỏ không chỉ có vị ngon mà còn cung cấp một lượng dinh dưỡng đáng kể. Bởi trong nho đỏ có chứa hàm lượng vitamin C khá cao và các chất chống oxy hóa tốt, gọi là flavonoid. Dựa trên các tài liệu đã đọc được, lương y Tuấn cho biết chất này đã được chứng minh là có khả năng giảm viêm hiệu quả.
Không những thế, nho đỏ còn có hàm lượng resveratrol cao. Điều này có lợi cho sức khỏe tim mạch và giúp chống lại bệnh tiểu đường và suy giảm nhận thức.
Trong 75g nho đỏ chỉ chứa:
- Natri: 1,5mg
- Kali: 144mg
- Phốt pho: 15mg
Tỏi
Bệnh nhân mắc chứng suy thận nên hạn chế lượng natri trong chế độ ăn, bao gồm cả natri trong muối. Vì vậy, tỏi là một lựa chọn tốt thay thế cho muối bởi loại củ này không những giúp thêm hương vị cho món ăn mà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng.
Tỏi vốn là nguồn thực phẩm giàu mangan, vitamin C, vitamin B6 và chứa các hợp chất lưu huỳnh mang đặc tính kháng viêm hiệu quả.
Trong 9g (ba tép) tỏi chứa:
- Natri: 1,5mg
- Kali: 36mg
- Phốt pho: 14mg
Lòng trắng trứng
Lòng đỏ trứng rất bổ dưỡng nhưng lại có lượng phốt pho khá cao nên thường không tốt cho sức khỏe của người bị suy thận. Vì vậy, bệnh nhân thường chỉ ăn lòng trắng trứng. Bởi lòng trắng trứng cung cấp một nguồn protein an toàn với thận.
Theo lương y Tuấn, lòng trắng trứng đặc biệt thích hợp cho những người đang trải qua quá trình chạy thận nhân tạo khi có nhu cầu protein vừa phải nhưng cần hạn chế phốt pho. Trong lòng trắng trứng lớn (66g) chứa:
- Natri: 110mg
- Kali: 108mg
- Phốt pho: 10mg
Dầu ô liu
Dầu ô liu cung cấp chất béo lành mạnh cần thiết cho cơ thể, hay còn gọi là chất béo không bão hòa axit oleic. Chúng có đặc tính kháng viêm và ổn định ở nhiệt độ cao. Đặc biệt, loại dầu này không hề chứa phốt pho. Vì thế, đây là một lựa chọn cực kì thích hợp cho những người bị suy thận. Hơn nữa, dầu ô liu góp phần quan trọng trong quá trình kiểm soát cân nặng cho người mắc bệnh thận.
Trong 28g dầu ô liu chứa:
- Natri: 0,6mg
- Kali: 0,3mg
- Phốt pho: 0mg
Bắp cải
Bắp cải chứa hàm lượng lớn các loại vitamin như vitamin K, vitamin C và vitamin B. Hơn nữa, chúng còn cung cấp chất xơ không hòa tan. Đây là một loại chất xơ giúp thúc đẩy chuyển động đường ruột diễn ra thường xuyên và nhanh chóng. Từ đó, hỗ trợ hệ thống tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.
Hàm lượng kali, phốt pho và natri trong bắp cải rất thấp. Trong 70g bắp cải chỉ chứa:
- Natri: 13mg
- Kali: 119mg
- Phốt pho: 18mg
Ức gà
Suy thận có nên ăn thịt gà? Ức gà không da chứa hàm lượng ít phốt pho, natri và kali hơn so với những phần thịt gà khác nên người bệnh hoàn toàn có thể đưa ức gà vào chế độ ăn. Hơn nữa, loại thực phẩm này chỉ chứa một lượng protein vừa đủ.
Trong 84g ức gà không da chỉ chứa:
- Natri: 63 mg
- Kali: 216 mg
- Phốt pho: 192 mg
Ớt chuông
Ớt chuông chứa một lượng lớn vitamin C có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ nhưng lại ít kali hơn hẳn các loại rau khác. Lương y Tuấn cho biết một quả ớt chuông 74g có thể cung cấp tới 158% lượng vitamin C cần thiết mỗi ngày. Bên cạnh đó, ớt chuông còn cung cấp vitamin A. Đây là một chất dinh dưỡng quan trọng góp phần tăng cường chức năng miễn dịch ở những người bị bệnh thận.
Một quả ớt chuông 74g chứa:
- Natri: 3 mg
- Kali: 156 mg
- Phốt pho: 19 mg
Hành tây
Hành tây là một loại gia vị vô cùng thích hợp trong chế độ dinh dưỡng dành cho người bị suy thận vì loại củ này chứa rất ít natri. Ngoài ra, hành tây cũng chứa nhiều vitamin C, vitamin B và mangan cùng các lợi khuẩn khác giúp giữ cho hệ tiêu hóa của bạn luôn khỏe mạnh.
Một củ hành tây 70g có chứa:
- Natri: 3mg
- Kali: 102mg
- Phốt pho: 20mg
Hạt Mắc – ca
Hầu hết các loại hạt có hàm lượng phốt pho khá cao nên không được khuyến cáo cho những người bệnh thận. Tuy nhiên, mắc – ca lại là một lựa chọn phù hợp. Hạt này chỉ chứa một hàm lượng ít phốt pho, thấp hơn nhiều so với các loại hạt phổ biến như đậu phộng hay hạnh nhân. Bên cạnh đó, macadamia còn cung cấp nhiều loại chất béo lành mạnh, vitamin B, magie, đồng, sắt và mangan.
Trong 28 hạt macadamia có chứa:
- Natri: 1,4mg
- Kali: 103mg
- Phốt pho: 53mg
Dứa
Lương y Tuấn cho biết dứa là loại hoa quả chứa ít natri nhưng lại giàu chất xơ, vitamin B, mangan và bromelain – một loại enzyme giúp giảm viêm hiệu quả. Vì thế, đây là lựa chọn cực kì phù hợp cho những người bị suy thận
Trong 165g dứa chứa:
- Natri: 2mg
- Kali: 180mg
- Phốt pho: 13mg
Người bệnh suy thận kiêng ăn uống gì?
Bên cạnh việc bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết, lương y Tuấn khuyên người bệnh cũng nên tránh một số loại thực phẩm không tốt đối với tình trạng bệnh. Suy thận kiêng ăn uống gì cũng là vấn đề quan trọng không kém trong quá trình ngăn ngừa cũng như điều trị bệnh thận.
Dưới đây là một số loại thực phẩm người bị suy thận nên tránh:
Các loại nước ngọt sẫm màu
Các loại nước ngọt sẫm màu phổ biến trên thị trường như: coca, pepsi,… không chỉ chứa lượng đường và calo cao, mà còn chứa một loại chất phụ gia khác như: phốt pho. Phốt pho được nhiều nhà sản xuất thực phẩm thêm vào nhằm gia tăng hương vị, kéo dài thời gian sử dụng và ngăn ngừa sự đổi màu.
Không giống như các loại phốt pho tự nhiên, phốt pho ở dạng phụ gia không liên kết với protein. Thay vào đó, nó được bào chế dưới dạng muối và có khả năng hấp thụ cao qua đường ruột. Lượng phốt pho này khiến cơ thể con người hấp thụ nhiều hơn so với phốt pho tự nhiên. Do vậy, những người mắc bệnh thận nên tránh xa các loại nước ngọt sẫm màu này.
Chuối
Chuối là loại thực phẩm có hàm lượng kali khá cao. Một quả chuối trung bình cung cấp đến 422mg kali. Đây là mức kali không lí tưởng đối với một bệnh nhân suy thận.
Bơ
Bơ vốn được biết đến là loại quả chứa nhiều chất bổ dưỡng như: chất béo lành mạnh, chất xơ và chất chống oxy hóa tốt cho tim. Tuy nhiên, lương y Tuấn cho biết bơ lại chứa một nguồn kali phong phú. Một cốc bơ khoảng 150gram cung cấp đến 727mg kali. Đây là lượng kali cao gấp đôi so với một quả chuối.
Vì thế, khi ăn nhiều bơ, thận sẽ dung nạp quá nhiều khoáng chất, gây mất cân bằng. Điều này không hề tốt cho sức khỏe của bệnh nhân.
Khoai tây và khoai lang
Nhiều bệnh nhân thắc mắc suy thận ăn khoai lang được không? Câu trả lời là không nên. Bởi cả khoai tây và khoai lang đều là những loại củ giàu kali. Một củ khoai tây nướng cỡ trung bình (khoảng 156 g) chứa đến 610 mg kali, trong khi một củ khoai lang nướng cỡ trung bình (khoảng 114 g) cũng chứa tới 541 mg kali.
Tuy nhiên, chúng ta có thể hạn chế gần 50% hàm lượng kali có trong khoai tây bằng cách cắt chúng thành từng miếng nhỏ, mỏng và luộc chúng ít nhất 10 phút. Hoặc chúng ta có thể ngâm khoai tây trong nước ít nhất bốn giờ trước khi nấu để làm giảm lượng kali. Phương pháp này được thường được gọi là phương pháp lọc kali.
Sữa
Theo lương y Tuấn, các sản phẩm từ sữa rất giàu vitamin và chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, sữa cũng chứa một nguồn phốt pho và kali khá dồi dào. Một cốc sữa tươi nguyên chất có thể cung cấp tới 222 mg phốt pho và 349 mg kali. Khi thận bị tổn thương, việc tiêu thụ quá nhiều phốt pho có thể dẫn đến sự tích tụ phốt pho trong máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gãy xương ở người bệnh.
Thực phẩm đóng hộp, đồ ăn sẵn
Thực phẩm đóng hộp được mọi người ưa chuộng bởi giá thành thấp cũng như tính tiện lợi của nó. Tuy nhiên, hầu hết các thực phẩm đóng hộp này đều chứa một lượng muối lớn. Vì muối có tác dụng bảo quản để tăng thời hạn sử dụng cho thực phẩm. Do đó, người mắc suy thận nên tránh xa đồ ăn sẵn.
Uống quá nhiều nước
Người mắc suy thận không nên uống quá nhiều nước một ngày. Uống nhiều nước sẽ làm cho cơ thể phù nề, khó kiểm soát huyết áp và suy tim. Nếu bệnh ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ đi tiểu nhiều hơn, đặc biệt là tiểu đêm gây khó ngủ. Điều này sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Trên đây là giải đáp của lương y Đỗ Minh Tuấn về vấn đề bệnh nhân suy thận nên ăn gì, không nên ăn gì. Hy vọng với những thông tin này, người bệnh sẽ xây dựng được một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học để tăng cường sức khỏe.
Bên cạnh việc ăn uống nghỉ ngơi, tập luyện điều đó, người bệnh cần kết hợp với phương pháp điều trị phù hợp. Với những bệnh nhân suy thận độ 1-2 chưa cần can thiệp đến hoạt động chạy thận nhân tạo hay thẩm phân phúc mạc, mọi người có thể sử dụng các bài thuốc nam giúp kiềm chế sự phát triển của bệnh, đồng thời giúp phục hồi chức năng thận và nâng cao sức đề kháng.