Viêm Xoang Hàm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Bác sĩ Phan Đình Long – Khoa Răng hàm mặtPhó trưởng khoa Ngoại Trung tâm Y tế Hàng không Việt Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc

Viêm xoang hàm là một trong những bệnh lý tai – mũi – họng phổ biến nhất. Bệnh gây ra các triệu chứng khó chịu, nếu không được điều trị sớm sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị cần được thực hiện kịp thời để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh.

Viêm xoang hàm là gì? Phân loại cụ thể

Xoang hàm bao gồm các hốc xoang nằm xung quanh mặt và hai bên má. Khi lớp niêm mạc tại hốc xoang bị vi khuẩn xâm nhập tấn công gây viêm nhiễm, sưng tấy, phù nề,… được gọi là viêm xoang hàm.

Hiện nay, Y học phân loại viêm xoang hàm như sau:

  • Viêm xoang hàm cấp tính: Tình trạng này xảy ra do cảm lạnh hoặc viêm mũi cấp tính. Bệnh mang tính tạm thời và có thể cải thiện sau vài tuần.
  • Viêm xoang hàm mãn tính: Đây là trường hợp viêm xoang hàm kéo dài từ 12 tuần, rất khó điều trị và dễ dàng tái phát dai dẳng.
  • Viêm xoang hàm do răng:  Tình trạng này thường xảy ra do vi khuẩn do bệnh răng miệng lâu lan và gây viêm nhiễm sang các hốc xoang.
  • Viêm xoang hàm do nấm: Bệnh xuất phát do nấm xâm nhập xoang hàm, phát triển và tấn công làm tổn thương niêm mạc gây viêm, sưng tấy, phù nề.

Nguyên nhân gây viêm xoang hàm

Nghiên cứu từ các chuyên gia cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xoang hàm bị viêm, cụ thể như sau:

  • Viêm mũi dị ứng kéo dài dẫn đến xoang hàm cũng bị viêm.
  • Vách ngăn mũi có cấu trúc bị lệch.
  • Các bệnh lý liên quan đến răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, viêm lợi, viêm chân răng,…
  • Thời tiết thay đổi, môi trường sống khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
  • Do tai nạn chấn thương hoặc do biến chứng từ các phẫu thuật răng lợi để lại.

Triệu chứng viêm xoang hàm

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp ở người bệnh viêm xoang hàm:

  • Đau mặt: Cảm giác đau xuất hiện tại các vùng trên mặt, đặc biệt là má, trán và xung quanh mắt. Cơn đau thường tăng nặng khi cúi đầu hoặc có áp lực lên mặt.
  • Chảy dịch mũi: Khi bị viêm xoang hàm, khu vực này sẽ tăng tiết tại mũi. Dịch tiết ra thường có màu trắng hoặc vàng, đặc sệt gây khó thở cho người bệnh. Nếu dịch này chảy xuống sâu cổ họng sẽ gây khó chịu và hắt hơi liên tục.
  • Nghẹt mũi: Do viêm xoang hàm gây viêm, phù nề tại các xoang hàm. Điều này khiến người bệnh bị nghẹt mũi, khó thở đường mũi.
  • Đau răng: Ở một số trường hợp bị viêm xoang hàm, người bệnh có thể bị đau răng. Cơn đau mạnh hơn tại vùng răng phía trước hoặc phái sau xoang hàm viêm.
  • Giảm vị giác: Người bệnh khó cảm nhận được hương vị thức ăn, vị giác giảm sút gây chán ăn, ăn ít ngon.
  • Mệt mỏi: Hậu hết người bệnh viêm xoang hàm sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu trong suốt quá trình bị bệnh. Thậm chí có trường hợp sụt cân nhanh, cơ thể uể oải cả ngày.
viem xoang ham
Cảm giác đau xuất hiện tại các vùng trên mặt, đặc biệt là má, trán và xung quanh mắt

Biến chứng của viêm xoang hàm

Viêm xoang hàm nếu được điều trị sớm hoàn toàn không gây ảnh hưởng cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu để bệnh kéo dài và chậm trễ trong điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

  • Mắt: Xoang hàm có vị trí gần hốc mắt nên khi bị viêm xoang sẽ ảnh hưởng đến thị giác người bệnh. Cụ thể, vi khuẩn sẽ đi theo mạch máu đến mắt, gây viêm mô liên kết ở quanh hốc mắt, áp xe túi lệ, áp xe mí mắt, viêm dây thần kinh thị giác. 
  • Đường hô hấp: Tai – Mũi – Họng có liên quan mật  thiết đến nhau. Do đó, khi vùng xoang bị viêm sẽ lan rộng các cơ quan xung quanh, gây ra các bệnh đường hô hấp như viêm họng mãn tính, viêm đường hô hấp dưới, viêm thanh quản hoặc viêm tai giữa.
  • Nội sọ: Xoang hàm bị viêm kéo dài sẽ dẫn đến vi khuẩn sinh sôi ngày càng mạnh, chúng sẽ tấn công vào hộp sọ gây các biến chứng nguy hiểm như áp xe màng não, viêm màng não, viêm não, viêm tắc tĩnh mạch xương.
  • Xương khớp: Bác sĩ ghi nhận nhiều trường hợp viêm xoang hàm gây biến chứng vào xương, đặc biệt là vị trí xương xung quanh xoang hàm. 

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh hiện tại, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bằng phương pháp chuyên biệt.

  • Chụp X – quang: Đây là phương pháp chẩn đoán bệnh viêm xoang hàm phổ biến nhất. Kết quả thu được từ hình ảnh chụp Xquang sẽ giúp bác sĩ xác định được mức độ viêm xoang hàm, xoang trán và cả xoang hốc mũi.
  • Nội soi mũi: Đây là kỹ thuật sử dụng đầu dò kết hợp hệ thống camera và nguồn sáng để tiến vào trực tiếp các vùng xoang mũi. Thông qua hình ảnh từ camera, bác sĩ sẽ quan sát được chi tiết tình hình bên trong, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phục hồi phù hợp nhất.
  • Cấy mẫu dịch mũi và xoang: Phương pháp này sẽ chỉ được thực hiện khi phương pháp điều trị kháng sinh không mang lại hiệu quả hoặc người bệnh suy giảm miễn dịch. Để đảm bảo kết quả chính xác, mẫu thu cần được lấy bằng cách nội soi xoang hoặc thực hiện cách xuyên qua xoang.

Ngoài ra, tùy từng tình trạng hiện tại của bệnh nhân, bác sĩ sẽ linh hoạt bổ sung thêm các phương pháp chẩn đoán khác nhằm đem lại kết quả chuẩn xác nhất.

viem xoang ham
Nội soi mũi giúp chẩn đoán bệnh chính xác

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Để tránh biến chứng không mong muốn, bác sĩ khuyến nghị khi cơ thể gặp các dấu hiệu sau cần đến bệnh viện thăm khám sớm:

  • Mũi bị ngạt, bị chảy nước trong thời gian dài.
  • Có cảm giác đau mặt, đau má, đau quanh hốc mắt.
  • Sốt khoảng 38.5 – 39 độ C.
  • Cơ thể mệt mỏi, chán ăn và không có sức sống.
viem xoang ham
Những trường hợp bệnh nặng hơn sẽ cần can thiệp phẫu thuật để điều trị dứt điểm bệnh

Phương pháp chữa trị viêm xoang hàm

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm xoang hàm hiệu quả, an toàn. Dưới đây, Bệnh Viện Thuốc Dân Tộc cung cấp thông tin về 3 phương pháp chữa bệnh được ứng dụng rộng rãi hiện nay.

Điều trị tại nhà

Trong dân gian lưu truyền nhiều mẹo điều trị bệnh viêm xoang hàm bằng các nguyên liệu tự nhiên. Người bệnh có thể tham khảo và áp dụng tại nhà, nhưng cần lưu ý các mẹo này chỉ có tác dụng hỗ trợ cho trường hợp bệnh nhà.

Sử dụng lá lốt

Phân tích Y học hiện đại chứng minh 2 hoạt chất Piperin và Piperidin trong lá lốt có tác dụng kháng viêm, giảm phù niêm mạc xoang. Đồng thời các chất này giúp diệt khuẩn tại xoang hàm, làm dịu cơn đau nhức và ngăn ngừa bệnh tái phát nhiều lần.

Cách thực hiện: Chuẩn bị 1 nắm lá lốt, đem giã nát rồi vắt lấy nước cốt. Dùng tăm bông thấm nước cốt lá lốt rồi bôi vào trong mũi. 

Gừng tươi

Hoạt chất gingerol trong gừng tươi có khả năng chống viêm và giảm đau tự nhiên. Ngoài ra, gừng tươi kích thích lưu thông máu nuôi dưỡng xoang hàm, làm thông mũi và giảm các triệu chứng khó chịu khác của bệnh.

Cách thực hiện: Giã nát 1 củ gừng, đem đun với 1 cốc nước, đợi khi sôi thì tắt bếp. Dùng khăn sạch nhúng vào nước gừng rồi vắt sạch, đắp lên mũi đến khi khăn hết ấm. Nên thực hiện khoảng 2 – 3 lần/ngày để hiệu quả phát huy tốt nhất.

Hạt gấc

Trong Y học cổ truyền, hạt gấc là vị thuốc tiêu độc, giảm sưng viêm, thanh nhiệt. Y học hiện đại cũng phát hiện trong hạt gấc chứa nhiều hoạt chất beta – caroten. Do đó, hạt gấc có tác dụng kích thích tái tạo, thúc đẩy phục hồi thương tổn niêm mạc xoang hàm, thuyên giảm các triệu chứng như phù nề, nghẹt mũi, sổ mũi.

Cách thực hiện: Chuẩn bị 20 hạt gấc già đem rửa sạch rồi nướng chín. Sau đó giã nhỏ hạt gấc, đợi nguội thì cho vào bình thủy tinh ngâm với 300ml rượu trắng. Sau 2 tuần, lấy nước ngâm hạt gấc bôi lên 2 bên sống mũi, sau 30 phút rửa sạch lại với nước.

Lá húng chanh

Trong tinh dầu lá húng chanh có chứa lượng lớn hoạt chất phenol hay Salicylat eugenol. Các hoạt chất này có tác dụng ức chế một số chủng gây bệnh viêm xoang.

Cách thực hiện: Rửa sạch 1 nắm lá húng chanh, cho vào nồi đun với ½ lít nước. Đợi khi nước sôi thì tắt bếp và chùm chăn kín đầu để xông mũi.

viem xoang ham
Các hoạt chất trong lá húng chanh có tác dụng ức chế một số chủng gây bệnh viêm xoang

Cây giao

Cây giao chứa thành phần các hoạt chất quý như beta-sitosterol, ethanol. Các chất này có tác dụng giảm đau, ức chế hoạt động của virus gây bệnh viêm xoang. Ngoài ra, Y học cổ truyền cũng ghi chép về khả năng giảm sưng, tiêu độc, tán ứ của dược liệu này, giúp cải thiện tích cực triệu chứng viêm xoang hàm.

Cách thực hiện: Chuẩn bị 20 đốt giao tươi, đem cắt nhỏ và rửa sạch. Đun sôi nước và cho giao tươi vào, tiếp tục đun sau khoảng 10 phút thì tắt bếp. Người bệnh chùm chăn xông mũi khoảng 15 phút, mỗi tuần thực hiện 3 – 5 lần.

Điều trị Tây y

Đây là phương pháp điều trị bệnh viêm xoang hàm phổ biến nhất, được ứng dụng đối với các trường hợp từ nhẹ đến nặng. Sau khi thăm khám, chẩn đoán và xác định mức độ bệnh hiện tại, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị Tây y với phương pháp phù hợp nhất.

Điều trị bằng thuốc

  • Dùng thuốc giảm viêm: Những bệnh nhân viêm xoang hàm với triệu chứng sưng viêm sẽ được kê đơn dùng thuốc Corticosteroid. Thuốc bào chế dưới nhiều dạng như đường uống hoặc dạng phun. 
  • Thuốc kháng sinh: Trường hợp viêm xoang kèm nhiễm trùng vi khuẩn sẽ cần dùng thuốc kháng sinh điều trị. Nhưng nhóm thuốc này tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, đồng thời có thể gây kháng thuốc nếu dùng sai cách, do đó người bệnh cần sử dụng theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ.
  • Thuốc giãn mạch: Để giảm triệu chứng sưng mũi, thông mũi và giảm áp lực xoang hàm, người bệnh được kê đơn dùng thuốc giãn mạch, phổ biến là thuốc pseudoephedrine.

Điều trị bằng phẫu thuật

Những trường hợp bệnh nặng hơn sẽ cần can thiệp phẫu thuật để điều trị dứt điểm bệnh. Các phương pháp phẫu thuật chữa viêm xoang hàm bao gồm:

  • Chỉnh hình xoang hàm: Những người bị viêm xoang hàm do cấu trúc hàm lệch bẩm sinh hoặc do tai nạn cần phẫu thuật điều chỉnh. Phương pháp này giúp tái tạo cấu trúc xoang hàm, khắc phục tắc nghẽn và giảm tối đa nguy cơ tái phát. 
  • Phẫu thuật loại bỏ polyp: Polyp hình thành trong xoang hàm sẽ gây tắc nghẽn và viêm nhiễm. Lúc này, người bệnh cần thực hiện phẫu thuật loại bỏ polyp để giảm triệu chứng bệnh.

Phương pháp nội soi

Ngoài các phương pháp trên, hiện nay Y học ứng dụng rộng rãi phương pháp nội soi. 

  • Nội soi xoang hàm: Bác sĩ sử dụng ống nội soi mềm để làm thông khu vực xoang hàm và mũi nhờ loại bỏ chất nhầy. Điều này không chỉ giảm triệu chứng khó chịu bệnh mà còn loại bỏ vi khuẩn, ngăn ngừa tái phát bệnh.
  • Nội soi hóa mủ: Những trường hợp nhiễm trùng nặng có mủ, sưng to trong xoang hàm, bác sĩ sẽ nội soi hóa mủ để vệ sinh xoang hàm, loại bỏ mủ và làm sạch, sát khuẩn.

Cách chăm sóc người bệnh và phòng tránh viêm xoang hàm 

Bác sĩ Bệnh Viện Thuốc Dân Tộc hướng dẫn cách chăm sóc người bệnh và phòng tránh viêm xoang hàm như sau:

  • Cẩn tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh nhằm tăng cường sức đề kháng, đặc biệt cần bổ sung thêm nhiều vitamin và khoáng chất từ các món ăn lành mạnh hằng ngày. Đặc biệt là các loại thực phẩm như: Tỏi, hành tây, gừng, các loại rau củ nhiều vitamin như bưởi, cam, canh rau,….
  • Loại bỏ các chất gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng các cơ quan trong cơ thể và suy giảm hệ miễn dịch như rượu bia, thuốc lá,…. Nhờ đó, tỷ lệ mắc bệnh viêm xoang hàm cũng giảm đáng kể.
  • Để thúc đẩy điều trị hoặc phòng tránh bệnh, bác sĩ khuyến nghị cần uống nhiều nước, có thể chọn chọn phòng trà, nước canh rau hoặc nước ép rau củ trái cây nhằm bổ sung thêm các hoạt chất thiết yếu cho cơ thể.. 
  • Nếu đang theo liệu trình điều trị, cần đảm bảo sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn về liều lượng, thời điểm dùng thuốc và tuyệt đối không ngưng thuốc giữa chừng hoặc không tự ý thay đổi loại thuốc khi chưa được bác sĩ đồng ý.
  • Sử dụng máy phun sương, máu xông mũi, các biện pháp ngâm bồn hoặc chườm ấm cho vùng xoang hàm. Ngoài ra, người bệnh nên kết hợp thêm một số loại tinh dầu (tinh dầu bạch đàn, tinh dầu bạc hà, tinh dầu bưởi, tinh dầu lá trầu không,…) để hỗ trợ loại bỏ dịch nhầy.
  • Khi cơ thể phát hiện triệu chứng bệnh, cần đến bệnh viện thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán. Từ đó, nếu phát hiện bệnh sẽ có phương pháp điều trị sớm giúp bảo vệ sức khỏe toàn diện.

Bài viết cung cấp những thông tin chi tiết về bệnh viêm xoang hàm. Bệnh tiềm ẩn một số biến chứng nguy hiểm những hoàn toàn phòng tránh được nếu điều trị kịp thời. Do đó, bác sĩ khuyến nghị bất cứ ai cũng cần chủ động thăm khám sức khỏe, có biện pháp phòng và điều trị nếu mắc phải.