Viêm Lỗ Chân Lông Ở Lưng
Viêm lỗ chân lông ở lưng là tình trạng viêm nhiễm khu trú ở nang lông do vi khuẩn, nấm hoặc virus gây ra. Tình trạng này có thể thuyên giảm nhanh sau khi áp dụng một số biện pháp điều trị như tắm nước mát, thoa kem dưỡng ẩm, tắm lá bạc hà hoặc sử dụng thuốc theo hướng dẫn.
Viêm lỗ chân lông ở lưng và dấu hiệu nhận biết
Viêm lỗ chân lông ở lưng là tình trạng lỗ chân lông bị viêm do nhiễm nấm, virus hoặc vi khuẩn. Tình trạng này còn được gọi là viêm nang lông, thường xảy ra khi lỗ chân lông bị bít tắc, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và virus xâm nhập gây viêm sưng.
So với các dạng nhiễm trùng da như nhọt, đinh râu, áp xe, viêm lỗ chân lông có mức độ nhẹ và thường chỉ gây viêm nông trên biểu bì. Viêm lỗ chân lông ở lưng thường kéo dài trong khoảng 7 – 10 ngày và thuyên giảm mà không để lại sẹo. Tuy nhiên ở một số trường hợp chăm sóc không đúng cách, bệnh có thể tiến triển dai dẳng và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
Dấu hiệu nhận biết lưng bị viêm lỗ chân lông:
- Các lỗ chân lông trên lưng bị viêm đỏ khu trú
- Hiện tượng viêm khiến lỗ chân lông nổi cộm lên so với những vùng da xung quanh
- Xuất hiện các mụn đầu trắng nhỏ, khu trú ở nang lông
- Tổn thương da thường đi kèm với triệu chứng ngứa, nóng rát và châm chích
- Thông thường ở những lỗ chân lông bị viêm, lông thường bị xoắn và mọc ngược vào trong
Tổn thương da có thể mọc khu trú ở vùng lưng nhưng có thể lan tỏa rộng sang những vùng da khác như bụng, lưng dưới, mông, cổ và ngực.
Nguyên nhân gây viêm lỗ chân lông ở lưng
Nguyên nhân trực tiếp gây viêm lỗ chân lông ở lưng là do da bị nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn). Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra do nhiễm nấm, virus và một số loại vi khuẩn khác.
Theo các chuyên gia Da liễu, lỗ chân lông bị nhiễm trùng thường bắt nguồn từ những yếu tố rủi ro sau:
- Vệ sinh da kém: Vệ sinh da kém có thể khiến bụi bẩn, vải, dầu thừa và mồ hôi ứ đọng trong nang lông khiến cơ quan này bị bít tắc. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, nấm và virus xâm nhập, gây viêm nhiễm và sưng đau.
- Tắm nước ấm: Một số người thường bị viêm nang lông sau khi tắm bồn với nước ấm. Theo các chuyên gia, nhiệt độ cao có thể khiến da bị kích thích, dẫn đến tình trạng tổn thương và viêm nang lông.
- Rối loạn hoạt động tuyến dầu: Lỗ chân lông là cơ quan bài tiết dầu và mồ hôi cho cơ thể. Ở những người có tuyến dầu hoạt động bất thường, dầu thừa có thể ứ đọng trong nang lông khiến vi khuẩn, nấm và virus xâm nhập.
- Sinh sống trong môi trường nóng ẩm: Thống kê cho thấy, hơn 90% trường hợp bị viêm nang lông đều xảy ra trong thời tiết nóng và có độ ẩm. Điều kiện thời tiết nóng ẩm thường kích thích da tiết nhiều mồ hôi, tăng nguy cơ bít tắc và viêm nhiễm nang lông.
- Lạm dụng kem bôi chứa corticoid: Corticoid là hoạt chất có tác dụng giảm viêm và ngứa, thường được dùng để điều trị mụn trứng cá và các bệnh da liễu thường gặp. Tuy nhiên loại thuốc này có thể khiến da giảm sức đề kháng, gây teo da và dày sừng nang lông. Vì vậy bệnh viêm lỗ chân lông ở lưng có thể là hệ quả do lạm dụng thuốc bôi chứa corticoid.
- Một số yếu tố khác: Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra do một số yếu tố như thường xuyên cạo/wax lông, suy giảm miễn dịch, mặc quần áo chật, sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn,…
Viêm lỗ chân lông ở lưng có nguy hiểm không?
Viêm lỗ chân lông là một dạng nhiễm trùng da nhẹ và thường gặp. Bệnh không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể thuyên giảm nhanh chỉ sau 7 – 10 ngày chăm sóc, điều trị.
Tuy nhiên ngoài tổn thương da, bệnh còn có thể gây nóng rát, châm chích và ngứa ngáy. Các triệu chứng này thường gây ra cảm giác khó chịu, bứt rứt, giảm hiệu suất làm việc và chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh đó, nang lông bị sưng viêm còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và ngoại hình.
Ngoài những ảnh hưởng nói trên, viêm nang lông ở lưng cũng có thể làm phát sinh các biến chứng như:
- Nhọt: Nhọt là tình trạng nhiễm trùng sâu và có hoại tử da do viêm nang lông không được chăm sóc và điều trị tốt. Nhọt không chỉ gây sưng đau mà còn gây loét da và để lại sẹo rỗ sau khi điều trị.
- Viêm nang lông lan tỏa: Trong trường hợp vệ sinh kém và không tiến hành điều trị kịp thời, tổn thương da ở lưng có thể lan tỏa sang những vùng da xung quanh như lưng dưới, mông, bụng, cổ và ngực.
- Gây sẹo: Phần lớn các trường hợp bị viêm nang lông đều không để lại sẹo. Tuy nhiên nếu thường xuyên gãi, cào, da có thể bị chảy máu và để lại sẹo thâm.
Cách điều trị bệnh viêm lỗ chân lông ở lưng
Viêm lỗ chân lông ở lưng có thể được cải thiện sau khi chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên với những trường hợp đáp ứng kém, bạn có thể phối hợp với việc dùng thuốc bôi và thuốc uống để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương lan rộng.
1. Chăm sóc và điều trị tại nhà
Các biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà có thể làm dịu vùng da sưng nóng, cải thiện cơn ngứa và hạn chế các biến chứng của bệnh. Một số biện pháp bạn có thể áp dụng, bao gồm:
- Tắm nước mát: Khi nang lông bị viêm, bạn nên tắm nước mát để làm dịu hiện tượng sưng nóng, giảm ngứa, đồng thời loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn và dầu thừa trên da. Vệ sinh da đúng cách là một trong những yếu tố quan trọng đối với quá trình điều trị bệnh viêm nang lông.
- Sử dụng gel nha đam: Gel nha đam có đặc tính làm dịu và làm mát da. Sử dụng gel nha đam lên vùng da bị ảnh hưởng có thể giảm nóng rát và viêm đỏ ở nang lông. Áp dụng mẹo này 2 – 3 lần/ ngày sau khi tắm có thể giảm nhẹ các triệu chứng rõ rệt.
- Dùng tinh dầu tràm trà: Tràm trà (tea tree) có tác dụng sát trùng, giảm viêm và ngứa hiệu quả. Vì vậy bạn có thể hòa 5 – 10 giọt tinh dầu vào nước tắm để cải thiện các triệu chứng của viêm lỗ chân lông.
- Dùng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ: Ngoài ra bạn cũng có thể giảm nhẹ các triệu chứng trên da bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm có kết cấu mỏng, dễ thấm và dịu nhẹ. Sử dụng kem dưỡng 2 – 3 lần/ ngày giúp cân bằng độ ẩm trên da, giảm ngứa và sưng viêm đáng kể.
- Tắm lá bạc hà: Tinh dầu trong lá bạc hà có tác dụng làm mát, giảm ngứa và cải thiện hiện tượng viêm đáng kể. Do đó bạn có thể vò xát 1 nắm bạc hà tươi vào nước tắm để cải thiện các triệu chứng do viêm lỗ chân lông ở lưng gây ra. Ngoài tác dụng giảm ngứa và viêm, tinh dầu trong bạc hà còn có khả năng kháng khuẩn và ngăn ngừa bội nhiễm.
Ngoài ra, trong thời gian điều trị bạn nên chú ý một số biện pháp chăm sóc sau:
- Nên mặc quần áo rộng, thông thoáng và có chất liệu mềm, thấm hút để làm giảm ma sát với các nang lông bị viêm.
- Trong thời gian này, cần thay thế các loại sữa tắm thông thường bằng các sản phẩm dịu nhẹ và có độ pH cân bằng.
- Hạn chế để vùng lưng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Nếu có thể, bạn nên ở nhà nghỉ ngơi và tránh hoạt động ngoài trời trong thời gian điều trị viêm lỗ chân lông.
- Có thể chườm lạnh nếu tổn thương da gây nóng rát và đau nhức.
- Nên uống nhiều nước và bổ sung thêm các thực phẩm lành mạnh để tăng sức đề kháng và phục hồi hàng rào bảo vệ da. Đồng thời nên tránh ăn các thực phẩm và thức uống khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi như rượu bia, thức ăn mặn và cay nóng.
2. Sử dụng thuốc bôi và thuốc uống
Trong trường hợp viêm lỗ chân lông ở lưng gây ngứa và đau rát nặng, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc bôi và uống sau:
- Dung dịch sát khuẩn (Betadin): Loại thuốc này được sử dụng với những trường hợp nang lông chỉ viêm sưng nhẹ. Thuốc có tác dụng sát khuẩn và giảm nhẹ các triệu chứng trên da như đỏ, nóng rát và sưng viêm.
- Thuốc mỡ kháng khuẩn (Fucidin, Bactroban,…): Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng thuốc mỡ kháng khuẩn để điều trị viêm lỗ chân lông ở lưng. Tuy nhiên với những trường hợp tổn thương da lan rộng, nên đề nghị bác sĩ chỉ định sữa tắm có tác dụng diệt khuẩn.
- Kháng sinh toàn thân: Trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu khuẩn, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định một số loại kháng sinh đường uống nhóm cephalosporin và beta-lactam.
- Thuốc chống nấm: Nếu viêm nang lông ở lưng xảy ra do nhiễm nấm, bác sĩ có thể chỉ định thuốc nấm đường uống (Terbinafine, Itraconazole) kết hợp với thuốc kháng nấm dạng bôi (Mycoster, Canesten và Nizoral).
- Thuốc giảm đau: Trong trường hợp viêm nang lông ở lưng gây đau rát nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau như Acetaminophen, Diclofenac, Naproxen và Ibuprofen.
Phòng ngừa viêm lỗ chân lông ở lưng bằng cách nào?
Viêm lỗ chân lông ở lưng có nguy cơ tái phát – đặc biệt là trong thời tiết có độ ẩm và nhiệt độ cao. Vì vậy bạn nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa và giảm nguy cơ bùng phát bệnh như:
- Cần vệ sinh cơ thể 1 – 2 lần/ ngày bằng các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ. Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, bạn nên tắm từ 2 – 3 lần/ ngày để loại bỏ mồ hôi, dầu thừa và giảm nguy cơ tắc nghẽn nang lông.
- Nên lựa chọn trang phục phù hợp với cân nặng, tránh mặc quần áo quá chật hoặc có chất liệu bí, dày và cứng.
- Tránh tiếp xúc với quá lâu với ánh nắng mặt trời trong thời gian từ 10:00 – 16:00 giờ.
- Thường xuyên dưỡng ẩm cho da để phục hồi hàng rào bảo vệ và cân bằng độ ẩm trên da.
- Tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, thường xuyên tập thể dục và ăn uống điều độ.
- Tránh tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh.
Viêm lỗ chân lông ở lưng có thể giảm nhanh sau khi được điều trị và chăm sóc tại nhà. Với những trường hợp kéo dài hơn 2 ngày, bạn có thể tìm gặp bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc bôi và thuốc uống thích hợp.
THAM KHẢO THÊM
10+ Thuốc Trị Viêm Nang Lông Được Bác Sĩ Khuyên Dùng
Viêm Nang Lông Da Đầu: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Thuốc Trị