Viêm Xoang Cấp
Viêm xoang cấp là tình trạng tắc nghẽn trong màng lót mũi cũng như các xoang xung quanh trong thời gian ngắn. Phần lớn các trường hợp bị xoang cấp không nguy hiểm và không gây biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, bệnh khiến người mắc cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống và sinh hoạt. Chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh sẽ được thông tin cụ thể trong bài viết dưới đây của Bệnh viện Thuốc Dân Tộc.
Viêm xoang cấp là gì?
Viêm xoang cấp tính là bệnh lý thường gặp vào mùa đông hoặc những khu vực có chất lượng không khí kém. Bệnh hình thành do nhiễm trùng, viêm trong thời gian ngắn xảy ra ở niêm mạc các xoang. Khi các xoang bị tắc nghẹt, dịch nhầy bị tích tụ. Điều này làm cản trở việc thoát nước – dịch nhầy ra ngoài và khiến quá trình hô hấp trở nên khó khăn.
Triệu chứng xoang cấp tính thường phát triển rầm rộ nhưng không kéo dài. Trung bình bạn sẽ cảm thấy đau, sưng, tăng áp lực vùng mặt, tắc nghẹt mũi, khó thở, nhức đầu, ho nhiều, mệt mỏi hoặc sốt trong vòng 4 – 6 tuần.
Được biết, tỷ lệ mắc xoang cấp ở Việt Nam thường rơi vào khoảng 2 – 5% dân số. Bệnh hình thành ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở dân thành phố do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Triệu chứng viêm xoang cấp
Người bị viêm xoang cấp tính sẽ có những dấu hiệu nhận biết như sau:
- Nghẹt mũi, tắc nghẹt mũi.
- Chảy mủ mũi trước.
- Chảy dịch mũi sau có mủ hoặc biến đổi màu.
- Giảm hoặc mất mùi.
- Đau mặt.
- Sốt.
- Đau đầu.
- Đau tai, có cảm giác đầy tai.
- Đau răng.
- Hôi miệng.
- Ho.
- Mệt mỏi.
Nguyên nhân gây viêm xoang cấp
Viêm xoang cấp có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là:
- Do virus: Tình trạng xoang cấp ở một số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch thường liên quan tới các loại virus như cúm, rhinovirus, parainfluenza,….
- Nhiễm vi khuẩn: Bệnh có thể hình thành do một số loại vi khuẩn như Streptococci, Moraxella catarrhalis, pneumococci, Haemophilus influenzae hay staphylococci,… Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tấn công và gây nhiễm trùng tại các túi xoang mũi.
- Viêm mũi dị ứng: Đây là bệnh lý có khả năng làm tăng nguy cơ mắc xoang cấp tính. Bởi viêm mũi dị ứng thường gây ra tình trạng tắc nghẽn các đường thoát của túi xoang, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công và hình thành viêm nhiễm.
- Có tổn thương mũi hoặc xoang: Trên thực tế, các tổn thương ở mũi hoặc xoang đều làm tăng nguy cơ khiến vi khuẩn, virus có cơ hội xâm nhập, gây xoang cấp tính. Điển hình nhất là tình trạng áp xe quanh răng ở hàm trên, lan rộng tới xoang mũi.
- Cấu trúc xoang không bình thường: Ngay từ khi sinh ra, có một vài người đã có cấu trúc xoang không bình thường như vách xoang cong – hẹp. Từ đó khiến dòng chảy chất nhầy di chuyển khó khăn, làm tích tụ vi khuẩn, virus gây xoang.
- Sử dụng chất kích thích: Hút thuốc lào, thuốc lá làm tổn hại tới hệ thống miễn dịch, làm giảm khả năng chống nhiễm trùng. Theo nghiên cứu, những đối tượng có thói quen sử dụng chất kích thích và hút thuốc dễ bị viêm xoang cấp hơn người bình thường.
- Yếu tố môi trường: Việc sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị xoang. Lúc này, các yếu tố nêu trên có thể làm kích thích niêm mạc mũi, gây tắc nghẽn và gây viêm xoang.
Biện pháp chẩn đoán viêm xoang cấp tính
Cần phân biệt viêm xoang cấp tính và mãn tính để đảm bảo không lạm dụng thuốc kháng sinh. Theo đó, tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng với bệnh viêm xoang ở người lớn là bệnh nhân phải có ít nhất 2 triệu chứng chính hoặc một triệu chứng chính kèm theo 2 triệu chứng phụ. Còn với trẻ em, ngoài những triệu chứng tương tự như người lớn, các bác sĩ còn cân nhắc tới dấu hiệu chảy nước mũi.
Theo đó, viêm xoang thể cấp tính sẽ được tiến hành chẩn đoán theo những phương pháp sau đây:
- Xét nghiệm máu: Nếu chỉ số ESR và CRP trong máu tăng cao có thể liên quan tới nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Nuôi cấy dịch mủ: Việc nuôi cấy dịch hút nội soi ≥10 CFU/mL được xem là tiêu chuẩn vàng nhưng xét nghiệm này ít được thực hiện do tương quan kém. Hút dịch nội soi có thể hữu ích với những bệnh nhân bị kháng trị hoặc bệnh nhân dị ứng với nhiều thuốc kháng sinh.
- Chụp X-quang: Mặc dù không hữu ích trong việc phát hiện viêm do virus hay vi khuẩn, nhưng chúng có thể hiển thị mức chất lỏng không khí bên trong xoang.
- Chụp CT quang: Trong trường hợp có nghi ngờ bệnh gây ra biến chứng, muốn chẩn đoán phân biệt hoặc bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính tái phát thì nên chụp CT xoang. Phương pháp này sẽ đánh giá xương, mô mềm, răng hoặc các bất thường về giải phẫu, sự hiện diện của viêm xoang mãn tính. Ngoài ra, chụp CT cũng cho thấy mức độ dịch – khí và viêm. Ngoài ra chúng cũng cho thấy dấu hiệu xói mòn hoặc phá hủy xương nếu có nhưng cũng không hữu ích trong việc phân biệt nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn hay virus.
- Chụp MRI: Kỹ thuật này giúp cung cấp nhiều thông tin hơn so với việc chụp CT. MRI có khả năng đánh giá mô mềm, làm sáng tỏ khối u nên rất hữu ích trong việc xác định mức độ biến chứng trong các trường hợp viêm xoang lan tới hộp sọ.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cần tiến hành thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán phân biệt giữa xoang cấp tính do vi khuẩn, virus, nấm hay xâm lấn. Trong đó, xoang do nấm xâm lấn là một dạng nhiễm trùng nghiêm trọng thường gặp hơn ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch và chúng có khả năng gây tử vong khá cao.
Các biến chứng của viêm xoang cấp tính
Viêm xoang cấp thường ít gây ra biến chứng hơn so với viêm xoang mãn tính. Tuy nhiên trong trường hợp không được điều trị đúng cách, kịp thời, viêm xoang thể cấp tính có thể để lại những hậu quả như:
- Viêm mô tế bào ổ mắt.
- Áp xe dưới màng xương.
- Áp xe ổ mắt.
- Có huyết khối xoang hang.
- Tụ máu dưới màng cứng, ngoài màng cứng.
- Viêm màng não, có mủ ở màng cứng.
- U sưng phồng Pott.
Ngoài ra, viêm xoang do nấm có thể xảy ra ở dạng không xâm lấn hoặc xâm lấn. Ở dạng xâm lấn, chúng có thể lây sang các cấu trúc xung quanh nên việc xác định sớm bệnh lý và điều trị sẽ ngăn ngừa được nguy cơ xảy ra biến chứng hiệu quả.
Biện pháp điều trị viêm xoang cấp tính
Bệnh xoang cấp tính sẽ được tiến hành điều trị dựa theo tình trạng cụ thể ở từng bệnh nhân. Sau khi có kết quả thăm khám, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân tuân thủ theo các phương pháp điều trị sau đây:
Sử dụng thuốc kê đơn
Để cải thiện các triệu chứng của viêm xoang, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh theo toa trong trường hợp bệnh nhân bị xoang cấp tính do vi khuẩn. Bao gồm thuốc chống dị ứng, thuốc kháng sinh chống viêm, thuốc co mạch chống xuất tiết,…
Bệnh nhân cần sử dụng thuốc thường xuyên theo đúng liều lượng được chỉ định từ bác sĩ để điều trị dứt điểm viêm xoang cấp. Tránh nguy cơ để bệnh tái phát, gây biến chứng hoặc dẫn tới viêm xoang mãn tính.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định áp dụng liệu pháp miễn dịch dị ứng. Trường hợp dị ứng mũi có liên quan tới bệnh xoang cấp tính, bệnh nhân sẽ được cầu bệnh nhân tới gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Lúc này, bác sĩ chuyên khoa dị ứng sẽ xem xét xem việc chích ngừa dị ứng có giúp người bệnh cải thiện được triệu chứng xoang hay không.
Tiến hành phẫu thuật
Xoang cấp tính được đánh giá là tình trạng bệnh tai mũi họng không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu sau một khoảng thời gian điều trị, triệu chứng viêm xoang không được cải thiện, tái phát nhiều lần. Kèm theo dấu hiệu xuất hiện các biến chứng như chèn vào dây thần kinh thị giác, viêm ổ mắt,…. thì bệnh nhân có thể được chỉ định làm phẫu thuật.
Phẫu thuật xoang cấp tính được tiến hành để loại bỏ polyp hoặc khối u ở mũi. Đồng thời sửa vách ngăn mũi lệch, làm sạch mũi, xoang của người bệnh. Cụ thể về phác đồ điều trị cũng như các thông tin liên quan, các bạn trao đổi chi tiết với bác sĩ điều trị để được tư vấn thêm.
Điều trị viêm xoang cấp tại nhà
Phần lớn các trường hợp bị xoang cấp tính đều không quá nghiêm trọng nên có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà. Theo đó, bệnh nhân khi bị xoang cấp tính có thể vừa dùng thuốc, vừa điều trị theo các mẹo sau đây:
- Dùng máy tạo độ ẩm để giữ ẩm không khí trong phòng.
- Dùng khăn ẩm, ấm để trên xoang mũi để giảm bớt cảm giác đau nhức.
- Xịt mũi bằng nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày để rửa sạch và thông mũi.
- Uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng chất nhầy trong hốc xoang cũng như giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
- Nâng cao đầu khi ngủ để làm thoát dịch xoang, khai thông đường thở, giảm tắc nghẽn xoang.
- Áp dụng liệu pháp thông mũi đường uống OTC có chứa phenylephrine hoặc pseudoephedrine. Việc làm này sẽ giúp làm giảm ngạt mũi do xoang cấp tính và có thể hỗ trợ làm khô chất nhầy.
- Sử dụng thuốc xịt mũi không kê đơn corticosteroid như Fluticasone, Propionate để làm giảm viêm mũi xoang.
- Thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen (Motrin, Advil) hoặc Acetaminophen (Tylenol).
Cách phòng ngừa viêm xoang cấp tính
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý này, các bạn có thể nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe của mình bằng cách tuân thủ theo một số biện pháp phòng ngừa như sau:
- Tránh xa các yếu tố gây dị ứng như lông động vật, phấn hoa, hóa chất, khói bụi, nước hoa,…
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tới những nơi đông người.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.
- Rửa tay bằng xà bông/dung dịch sát khuẩn để tránh bị lây nhiễm mầm bệnh.
- Giữ ấm cơ thể nhất là khi thời tiết chuyển mùa, vào đông.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý có khả năng chuyển biến thành viêm xoang như viêm tai giữa, cảm cúm, ho,…
- Khi đi máy bay nên dùng thêm dung dịch xịt mũi lúc máy bay cất và hạ cánh.
- Không hút thuốc lá.
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo khoa học, nhất là các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất để tăng cường miễn dịch.
- Vệ sinh hốc mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch chuyên dụng khác. Lưu ý khi rửa cần nghiêng sang một bên để nước muối sinh lý đi từ mũi trên xuống bên mũi còn lại. Lúc này, bụi bẩn, vi khuẩn sẽ được cuốn trôi ra ngoài mà không đọng lại trong khoang mũi.
- Uống nhiều nước, trung bình là từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày. Tránh sử dụng nước ngọt, thức uống có ga, thay vào đó chỉ nên uống nước ép trái cây, nước lọc.
- Vận động thường xuyên cũng như nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức khỏe tốt.
- Thăm khám bác sĩ ngay khi có những triệu chứng ban đầu của bệnh viêm xoang.
Một số câu hỏi liên quan
Ngoài những thông tin được chia sẻ như trên, người bị bệnh xoang cấp tính còn thắc mắc một số vấn đề như sau:
- Viêm xoang cấp tính có nguy hiểm không? Xoang cấp tính hầu như không nguy hiểm vì các trường hợp phát bệnh thường có liên quan tới virus và sẽ tự khỏi. Viêm xoang do vi khuẩn không gây biến chứng và có thể điều trị dễ dàng khi dùng đúng thuốc. Tuy nhiên, nếu điều trị sai cách, bệnh vẫn có khả năng để lại các di chứng nặng nề. Chẳng hạn như thay đổi trạng thái tinh thần, đau khi cử động mắt, sưng phù quanh hốc mắt hoặc xuất hiện các bất thường ở dây thần kinh sọ,…
- Viêm xoang cấp tính có lây không? Các chuyên gia cho biết, viêm xoang do vi khuẩn sẽ không có nguy cơ lây nhiễm nhưng với virus thì khác. Vậy nên, các bạn cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm để phòng ngừa viêm xoang do cúm gây ra.
- Viêm xoang cấp tính có bị sốt không? Xoang cấp do virus có thể gây mệt mỏi, sốt. Ngoài ra, bạn cũng có những triệu chứng khác tương tự như khi bị cúm là nghẹt mũi, hắt xì, ho, chảy nước mũi,…
- Viêm xoang cấp cần kiêng ăn gì? Hiện vẫn chưa có khuyến nghị nào liên quan tới việc ăn uống ở người bị viêm xoang. Tuy nhiên trên thực tế, việc ăn các món nóng, ấm sẽ hạn chế được tình trạng nghẹt xoang. Ngược lại, các thực phẩm lạnh sẽ khiến tình trạng tắc nghẽn xoang thêm trầm trọng hơn. Thêm vào đó, các bạn cũng cần tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia hoặc các thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao như sữa, lạc, hải sản,…
Nhìn chung, viêm xoang cấp tính là bệnh lý tai mũi họng phổ biến, có thể tự khỏi. Tuy nhiên bạn không nên chủ quan, bởi bệnh vẫn có nguy cơ phát triển và gây biến chứng lên nội sọ. Do đó, ngay khi phát triển các triệu chứng đầu tiên của bệnh, hãy chủ động tới bệnh viện thăm khám và điều trị ngay để tránh để bệnh phát triển sang thể mãn tính.