Viêm Xoang Trán
Bệnh viêm xoang trán gây những triệu chứng khó chịu như đau đầu, nghẹt mũi, hơi thở có mùi hôi,… Nguy hiểm hơn, bệnh thường tái phát dai dẳng và hình thành nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Bài viết dưới đây cung cấp những kiến thức cụ thể về bệnh lý này, giúp bạn độc có phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Viêm xoang trán là gì?
Xoang trán là cặp xoang có vị trí nằm ở trán, ngay trên lông mày. Viêm xoang trán là tình trạng hốc xoang trán bị bít tắc, chất dịch nhầy trong không thể thoát ra tạo thành môi trường cho vi khuẩn phát triển, khiến niêm mạc trong hốc xoang bị sưng viêm, đau tấy.
Thông thường, viêm xoang trán kéo dài trong khoảng thời gian dưới 4 tuần gọi là viêm xoang trán cấp tình. Nếu bệnh kéo dài trên 4 tuần và tái phát dai dẳng sẽ được xếp vào loại viêm xoang trán mãn tính.
Nguyên nhân xoang trán bị viêm
Theo nghiên cứu từ các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm xoang trán như sau:
- Nhiễm khuẩn: Một số loại vi khuẩn dẫn đến viêm xoang trán bao gồm Moraxella catarrhalis, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae.
- Do cảm cúm: Những người bị cảm lạnh, cảm cúm kéo dài có thể dẫn đến viêm xoang trán. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ nhẹ hơn viêm xoang trán do nhiễm khuẩn.
- Dị ứng, kích ứng: Nhiều trường hợp xoang trán viêm do dị ứng với các chất kích thích như bụi mịn, hóa chất, phấn hoa,… hoặc kích ứng với môi trường khô, ô nhiễm, tiếp xúc hóa chất hoặc khói thuốc lá, khói bụi.
- Polyp mũi: Đây là các khối u nhầy mô mềm, chúng phát triển trên niêm mạc xoang và gây tắc nghẽn, cản trở lưu thông không khí gây viêm xoang.
- Do cấu trúc xoang trán: Một số bệnh nhân bị viêm xoang trán do cấu trúc xoang và mũi có vấn đề. Ví dụ như vách ngăn giữa 2 xoang quá dày hoặc bị lệch, phát triển không đúng cách.
Các bác sĩ cho biết, nếu các triệu chứng bệnh chỉ kéo dài dưới 10 ngày, khả năng cao người bệnh bị viêm xoang do vi nhiễm virus. Trường hợp triệu chứng không cải thiện, thậm chí nghiêm trọng hơn sau 10 ngày thì có thể tác nhân gây bệnh là vi khuẩn. Còn nếu bệnh kéo dài trong vài tháng, nguy cơ cao là xuất phát do nguyên nhân cấu trúc xoang bất thường.
Triệu chứng gây bệnh lý viêm xoang trán
Bệnh viêm xoang trán có thể gây ra các triệu chứng dưới đây:
- Đau nhức trán và quanh mặt: Các cơn đau thường tập trung ở 2 đường cung lông mày và phía ổ mắt. Ngay cả khi con ngươi mắt vận động cũng gây đau, đôi khi cơn đau sẽ kèm theo chảy nước mắt. Cảm giác đau nhức có xu hướng gia tăng khi nằm ngửa hoặc cúi đầu.
- Tắc mũi, chảy nước mũi: Bệnh nhân viêm xoang trán có thể cảm giác đau nhức mũi kèm triệu chứng chảy nước mũi do tăng tiết dịch. Người bệnh cũng có thể bị tắc mũi do xoang trán viêm làm mất tính năng thông thoáng của xoang.
- Hơi thở có mùi hôi: Các bệnh nhân viêm xoang trán thường bị hơi thở có mùi hôi khó chịu do dịch phía xoang chảy xuống họng.
- Một số triệu chứng khác: Ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể bị mệt mỏi, sốt nhẹ, chán ăn, sụt cân,…
Biến chứng nguy hiểm bệnh viêm xoang trán gây ra
Xoang trán bị viêm cấp tính kéo dài sẽ dẫn đến mãn tính. Nếu lúc này không có phương pháp điều trị kịp thời, các triệu chứng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Biến chứng tại não bộ: Đây là thể viêm xoang dễ gây biến chứng tại não bộ nhất, đặc biệt là tình trạng viêm não, viêm màng não, viêm ngoài màng cứng hoặc huyết khối tĩnh mạch. Điều này khiến người bệnh có biểu hiện liên quan đến thần kinh, rối loạn ý thức, để lại nhiều di chứng sau này, thậm chí tử vong.
- Biến chứng tại ổ mắt: Tình trạng viêm kéo dài sẽ lan sang vùng hốc mắt và dẫn đến nhiều biến chứng như áp xe mí mắt, mắt phù nề, viêm thần kinh thị giác, thị lực giảm dần hoặc nặng hơn là mù lòa.
- Các biến chứng khác: Có nhiều trường hợp dẫn đến biến chứng tại đường hô hấp gây bệnh viêm amidan, viêm phế quản, áp xe răng, biến chứng ở xương, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng mô sâu,…
Chẩn đoán bệnh chuẩn xác
Tương tự như các bệnh khác, để chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành lần lượt chẩn đoán lâm sàng và chẩn đoán cận lâm sàng như sau:
Chẩn đoán lâm sàng: Để có những chẩn đoán ban đầu về bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán lâm sàng bằng cách tìm hiểu bệnh sử xem người bệnh đã từng bị bệnh tai mũi họng, bệnh dị ứng hay không. Đồng thời trao đổi về triệu chứng đang gặp, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hằng ngày.
Chẩn đoán cận lâm sàng:
Bác sĩ chỉ định người bệnh tiến hành một số xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán chính xác bệnh. Bao gồm các xét nghiệm:
- Nội soi mũi: Bác sĩ đưa một ống nội soi có gắn camera vào sâu trong mũi để khảo sát hốc mũi hòa các xoang mũi, xoang trán bên trong. Từ các hình ảnh ghi lại, bác sĩ sẽ xác định được tình trạng bệnh hiện tại.
- Chụp CT và MRI: Cả 2 phương pháp này sẽ giúp bác sĩ xác định mức độ bệnh và tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
- Chọc dò tủy sống: Phương pháp này được thực hiện nhằm lấy dịch não tủy, thường được chỉ định trong trường hợp nghi viêm xoang trán biến chứng nội sọ.
Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng hiện tại, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác nhằm đảm bảo chẩn đoán bệnh chính xác.
Phương pháp điều trị hiệu quả viêm xoang trán
Bệnh viêm xoang trán có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng nhiều phương pháp khác nhau. Dưới đây, người bệnh có thể tham khảo thông tin về các phương pháp chữa trị phổ biến hiện nay.
Điều trị bằng mẹo tại nhà
Phương pháp này thường dành cho trường hợp viêm xoang trán mức độ nhẹ, các triệu chứng không quá khó chịu và chưa gây biến chứng nào. Nhưng người bệnh cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài để hiệu quả phát huy rõ rệt nhất.
- Sử dụng tỏi
Hoạt chất Allicin trong tỏi là kháng sinh tự nhiên giúp diệt khuẩn mạnh mẽ. Ngoài ra, dùng tỏi cũng giúp kháng virus nhờ khả năng tăng cường miễn dịch. Đối với những người bị viêm xoang, tỏi còn có tác dụng khai thông mũi nhờ tác dụng thúc đẩy đào thải dịch viêm ra ngoài.
Cách thực hiện: Lấy 2 – 3 tép tỏi, đem lột vỏ và xay nhuyễn để lọc lấy nước cốt. Dùng tăm bông thấm dung dịch rồi bôi vào niêm mạc mũi. Mỗi ngày nên thực hiện 1 lần, tránh áp dụng quá nhiều sẽ làm bỏng niêm mạc.
- Dùng trầu không
Các nghiên cứu Y học cho thấy, tinh dầu lá trầu không có chứa hoạt chất phenol với tác dụng diệt virus, kháng khuẩn mạnh. Người bệnh có thể dùng lá trầu xông mũi hằng ngày để giảm triệu chứng bệnh viêm xoang trán.
Cách thực hiện: Chuẩn bị 1 nắm lá trầu không, đem rửa sạch và cho vào nồi đun với 1 lít nước. Khi nước sôi thì tắt bếp và đem xông mũi trong 20 phút.
- Lá bạc hà
Tinh dầu lá bạc hà vừa giảm đau, diệt khuẩn, vừa giúp khai thông phế khí và ức chế sự phát triển của virus hiệu quả. Do đó, những người bị viêm xoang nói chung và viêm xoang trán nói riêng có thể áp dụng phương pháp này để điều trị bệnh.
Cách thực hiện: Rửa sạch 1 nắm lá bạc hà, cho vào nồi đun với 200ml nước sôi và uống xen kẽ với nước lọc. Thời điểm uống tốt nhất là buổi sáng và buổi tối sẽ giúp giảm ngạt mũi, đau mặt, đau đầu và hỗ trợ giấc ngủ ngon hơn.
- Bạch đàn
Tinh dầu chiết xuất từ cây bạch đàn có tác dụng khai thông hô hấp, tiêu diệt khuẩn hiệu quả nhờ thành phần chữa các chất như cineol, camphen, pinen, aldehyd valeric, butyric. Người bệnh có thể mua tinh dầu bạch đàn để xông mũi hằng ngày.
Cách thực hiện: Nhỏ 3 giọt tinh dầu bạch đàn chanh vào nước sôi, sau đó xông mũi trong 15 – 20 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý phương pháp này không áp dụng cho đối tượng trẻ nhỏ, phụ nữ có thai hoặc người có bệnh mãn tính.
- Hoa ngũ sắc
Trong hoa ngũ sắc chứa đến 2% tinh dầu với thành phần có nhiều hoạt chất kháng khuẩn, chống viêm. Người bệnh sẽ sử dụng loại cây này để giảm sưng nề mũi và tiêu diệt vi khuẩn trong hốc xoang. Phương pháp mang hiệu quả tốt nhất là xông tinh dinh dầu hoa ngũ sắc.
Cách thực hiện: Lấy lá, hoa và thân cây hoa ngũ sắc rửa sạch, cho vào nồi đun sôi. Tiếp theo dùng chùm khăn sạch để xông mũi trong khoảng 15 phút.
Điều trị Tây y
Với mỗi nguyên nhân gây viêm xoang trán sẽ có phương pháp điều trị Tây y phù hợp. Điều này mang đến hiệu quả cải thiện bệnh tốt nhất, do đó, đây cũng là phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay.
- Điều trị bệnh nguyên nhân do virus: Với tình trạng viêm xoang do virus, người bệnh được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc giảm triệu chứng bao gồm thuốc giảm ngạt mũi, giảm xịt thông mũi không kê đơn. Ngoài ra, người bệnh cần kết hợp nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước. Sau khoảng 10 ngày bệnh sẽ thuyên giảm.
- Xoang trán viêm do vi khuẩn: Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh để điều trị. Thông thường, nếu người bệnh không có dấu hiệu biến chứng, loại kháng sinh được sử dụng là amoxicillin-clavulanate với liệu trong khoảng 7 – 14 ngày. Trường hợp có biến chứng sẽ sử dụng kháng sinh đường truyền tĩnh mạch. Những trường hợp bệnh nặng hơn, biến chứng áp xe nội sọ sẽ phải phẫu thuật mở hộp sọ.
- Chữa viêm xoang trán nguyên nhân do dị ứng: Để thuyên giảm các triệu chứng người bệnh đang gặp ở trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng histamin và thuốc xịt mũi corticosteroid, một số loại thuốc xịt không kê đơn chứa oxymetazoline hoặc phenylephrine. Tuy nhiên liệu trình sử dụng ngắn ngày để tránh gây tổn thương niêm mạc mũi.
- Chữa xoang trán viêm do polyp mũi hoặc lệch vách ngăn mũi: Trường hợp bị bệnh do polyp mũi hoặc lệch vách ngăn mũi, người bệnh cần phẫu thuật ngoại khoa để điều trị triệt để tình trạng này.
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm xoang trán
Bệnh viêm xoang trán hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ các biện pháp dưới đây:
- Khi bị cảm cúm hoặc bệnh cấp tính về đường hô hấp, người bệnh cần điều trị sớm để tránh tình trạng bệnh tiến triển thành viêm xoang trán.
- Khi bị nghẹt mũi, cúm, không tự ý sử dụng thuốc và các loại xịt mũi khi chưa được bác sĩ hướng dẫn cụ thể.
- Nên thường xuyên làm sạch xoang bằng cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý.
- Tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách bổ sung đủ nước, tăng cường ăn rau củ quả, tiêm ngừa cúm hằng năm, mỗi ngày dành khoảng 45 phút cho hoạt động thể dục.
- Nên rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi nấu ăn hoặc chăm sóc trẻ để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng xoang.
- Cần thăm khám sức khỏe định kỳ, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào cần đến bệnh viện kiểm tra để được điều trị sớm nhất.
Câu hỏi liên quan
Ngoài những thông tin liên quan đến nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán – chữa trị bệnh, dưới đây là một số câu hỏi liên quan đến bệnh viêm xoang trán nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay.
Ai có nguy cơ cao bị viêm xoang trán?
Ai cũng có khả năng bị bệnh viêm xoang trán, tuy nhiên một số đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Người thường xuyên cảm cúm, cảm lạnh.
- Người cơ địa dễ kích ứng và dị ứng.
- Những người hút thuốc với tần suất thường xuyên.
- Người có hệ miễn dịch yếu, hay mắc bệnh vặt.
- Người bị nhiễm nấm, viêm amidan.
- Người có cấu trúc xoang bất thường gây ảnh hưởng đến khả năng chất dịch trong xoang dẫn lưu.
Viêm xoang trán có tự khỏi được không?
Bác sĩ cho biết, trường hợp viêm xoang cấp tính do virus có thể khỏi trong vòng 7 – 10 ngày thông qua các phương pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trường hợp bệnh kéo dài hơn sẽ cần thăm khám bác sĩ để được áp dụng phương pháp điều trị chuyên sâu, tránh gây biến chứng nguy hiểm.
Viêm xoang trán có lây không?
Tình trạng xoang trán viêm do virus gây ra sẽ có khả năng lây nhiễm cho người khác thông qua các hoạt động hằng ngày như dùng chung đồ cá nhân, nhiễm qua không khí khi người bệnh hắt hơi khiến virus phát tán vào không khí.
Viêm xoang trán cần được chữa kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, bác sĩ khuyến nghị người bệnh không tự ý điều trị tại nhà vì mỗi mức độ bệnh sẽ có phác đồ riêng, cần được thăm khám kỹ càng để áp dụng phương pháp phù hợp nhất.