Viêm Xoang Dị Ứng
Viêm xoang dị ứng là một tình trạng phổ biến khi những khoang rỗng trong xương quanh mũi bị viêm và sưng lên do phản ứng dị ứng. Tình trạng này thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, gây ra triệu chứng khó chịu như tắc nghẽn mũi, chảy nước mũi, đau đầu, giảm khứu giác,…..
Viêm xoang mũi dị ứng là gì?
Viêm xoang mũi dị ứng là một trạng thái phản ứng và viêm của niêm mạc mũi do tác động với các tác nhân dị ứng từ môi trường bên ngoài như phấn hoa, lông động vật, hóa chất, khói bụi,…
Viêm xoang mũi dị ứng được coi là một biến thể của viêm mũi dị ứng. Điều này là do sự liên kết giữa niêm mạc mũi và niêm mạc xoang, khiến cho việc điều trị không hiệu quả, dẫn đến phù nề niêm mạc xoang và làm tắc nghẽn các lỗ thông xoang.
Tùy thuộc vào tần suất bệnh, viêm xoang mũi dị ứng được phân loại thành hai dạng chính là:
- Viêm xoang mũi dị ứng theo chu kỳ: Hay còn gọi là viêm xoang dị ứng theo theo mùa, thường xảy ra ở những thời điểm cụ thể trong năm.
- Viêm xoang mũi dị ứng quanh năm: Viêm xoang mũi dị ứng quanh năm là dạng bệnh mà triệu chứng có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, không phụ thuộc vào mùa hay chu kỳ cụ thể nào.
Nguyên nhân chính gây ra viêm xoang mũi dị ứng
Nguyên nhân chính của bệnh là sự phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, dẫn đến giải phóng Histamin – Chất giúp chống lại các tác nhân gây hại từ bên ngoài, nhưng gây ra các phản ứng dị ứng khi được sản xuất quá mức. Các tác nhân đó là:
- Các tác nhân trong không khí: Các tác nhân gây dị ứng trong không khí bao gồm phấn hoa, lông sâu, bướm, khói, bụi, mùi rác thải, không khí lạnh và mưa cũng đều có thể kích thích phản ứng dị ứng.
- Các tác nhân trong nhà: Bao gồm bụi, lông động vật như chó mèo, bụi vải từ quần áo, chăn mền, mùi các sản phẩm mỹ hóa dược. Ngoài ra, mùi thức ăn và nấm mốc trong môi trường sống cũng có thể là nguyên nhân.
- Các tác nhân nghề nghiệp: Môi trường làm việc cũng chứa đựng nhiều tác nhân gây dị ứng như hóa chất trong nhà máy, sợi vải trong xưởng may, bụi xi măng, bụi gỗ,…
Các triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng phổ biến của viêm xoang mũi dị ứng thường xuất hiện trong một thời gian ngắn và có thể tự biến mất.
Các triệu chứng thường gặp:
- Ngứa mũi.
- Hắt xì liên tục.
- Chảy nước mũi. Nước mũi ban đầu trong suốt nhưng sau đó có thể trở nên đặc hơn và chảy thành từng đợt (Đối với viêm dị ứng không theo chu kỳ).
- Có đờm.
- Nghẹt mũi.
- Ngứa mắt, chảy nước mắt.
- Ngứa họng và ho.
- Đau đầu, đau mặt.
- Giảm khả năng khứu giác.
Những cơn viêm xoang mũi dị ứng tái phát nhiều lần có thể gây phì đại niêm mạc mũi, thoái hóa hình thành polyp mũi. Từ đó làm xuất hiện tình trạng nghẹt mũi ngay cả khi không có triệu chứng dị ứng. Điều này khiến người bệnh thường phải thở bằng miệng và dễ bị viêm họng hoặc viêm thanh quản.
Chẩn đoán như nào?
Để chẩn đoán viêm xoang mũi dị ứng, một số phương pháp kiểm tra sau có thể được sử dụng:
- Chụp CT scan: Một cách kiểm tra phổ biến là chụp cắt lớp vi tính (CT scan) của khu vực xoang mũi, giúp xác định mức độ viêm và các biến đổi cấu trúc trong các xoang.
- Nội soi mũi: Qua việc sử dụng thiết bị nội soi, bác sĩ có thể kiểm tra các biểu hiện của viêm xoang trực tiếp trong mũi của bệnh nhân.
- Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hấp thụ chất phóng xạ (RAST): Đây là các phương pháp kiểm tra lượng kháng thể immunoglobulin E đối với các chất gây dị ứng cụ thể trong máu của bệnh nhân, giúp xác định chất gây dị ứng mà bệnh nhân phản ứng, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Các cách điều trị viêm xoang mũi dị ứng tại nhà
Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị viêm xoang mũi dị ứng, tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh. Cụ thể một số cách:
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi: Sử dụng các loại dung dịch này có thể giúp giảm ngứa và giảm các triệu chứng liên quan đến dị ứng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, để có thể nhanh chóng chữa dứt điểm tình trạng bệnh, bạn cần hỗ trợ một số loại thuốc đặc trị khác.
- Sử dụng thuốc điều trị: Các loại thuốc kháng histamin là lựa chọn phổ biến để giảm các triệu chứng của bệnh. Để tránh tác dụng phụ không mong muốn và đạt được hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần tuân theo hướng dẫn sử dụng của các bác sĩ.
- Thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây dị ứng, bạn có thể thực hiện một số biện pháp tại nhà. Chẳng như hạn chế tiếp xúc khu vực nhiều cây cỏ (Nếu bị dị ứng theo mùa hoặc phấn hoa), sử dụng máy hút ẩm, máy lọc không khí, thường xuyên giặt tấm lót giường và chăn mền bằng nước nóng (trên 55 độ C). Những việc làm này giúp loại bỏ vi khuẩn và vi sinh vật gây dị ứng, đeo khẩu trang khi làm việc,…
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm xoang dị ứng
Đối với người bị viêm xoang mũi dị ứng, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và cải thiện tình trạng sức khỏe. Dưới đây là các loại thực phẩm nên và không nên ăn khi gặp bệnh:
Các thực phẩm nên ăn
Các thực phẩm tốt cho người bị viêm xoang mũi dị ứng bao gồm:
- Rau củ quả giàu Vitamin C: Cà rốt, ớt chuông, khế, bưởi,… là những nguồn Vitamin C tốt giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm viêm.
- Thực phẩm giàu Omega-3: Ví dụ như cá hồi, cá nục, cá mòi,… là các nguồn giàu Omega-3 giúp giảm viêm sưng niêm mạc và đường hô hấp.
- Thực phẩm bổ phế: Để hỗ rtowj tốt cho việc làm giảm triệu chứng viêm, các bạn có thể thêm đường đỏ, táo tàu, gạo nếp, củ từ,… vào chế độ ăn hàng ngày.
- Gia vị có tính ấm: Như tỏi, gừng, hành chứa nhiều chất kháng sinh tự nhiên và giúp giảm viêm dị ứng.
Các thực phẩm nên tránh
Một số loại thực phẩm nên tránh phải kể đến là:
- Thực phẩm cay nóng: Gia vị như tiêu, ớt có thể kích thích phản ứng dị ứng, gây ra các triệu chứng như hắt hơi, ngứa mũi và tăng tiết dịch nhầy.
- Thực phẩm có tính hàn: Các loại hải sản như tôm, cua, mực,… có thể tăng phản ứng dị ứng.
- Các chất phụ gia thực phẩm: Sử dụng nhiều thực phẩm chứa chất tạo màu, hương liệu và các chất phụ gia khác có thể làm tăng triệu chứng viêm xoang dị ứng.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: Sữa có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, làm tăng tiết chất nhầy trong mũi và tắc nghẽn lưu thông không khí trong xoang.
- Thực phẩm gây khó chịu cổ họng: Như các loại hạt và các thực phẩm ướp lạnh cũng nên tránh để giảm nguy cơ kích thích và tái phát triệu chứng.
Phương pháp phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa viêm xoang mũi dị ứng, có một số biện pháp mà bác sĩ khuyến nghị như sau:
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng: Cố gắng tránh xa tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên,….
- Tăng cường miễn dịch: Miễn dịch yếu làm cho cơ thể dễ bị dị ứng hơn. Do đó, việc tăng cường hệ miễn dịch thông qua việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và duy trì một lối sống lành mạnh là rất quan trọng. Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cũng có thể giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và chống lại các tác nhân gây dị ứng.
- Bảo vệ tai mũi họng: Bởi chúng là một hệ thống liên kết với nhau. Bảo vệ vùng tai và họng tốt cũng sẽ giúp cho mũi khỏe mạnh, giảm bớt nguy cơ bị viêm mũi dị ứng.
- Thăm khám nếu có những biểu hiện bệnh nghiêm trọng: Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến viêm mũi xoang dị ứng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Viêm xoang dị ứng là một tình trạng phổ biến mà nhiều người gặp phải, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Để đối phó với tình trạng này, việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị là rất quan trọng.