Trào Ngược Dạ Dày Khi Ngủ
Trào ngược dạ dày khi ngủ không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn có thể biến chứng, gây loét thực quản, thậm chí ung thư. Vậy nguyên nhân gây trào ngược dạ dày khi ngủ là gì và làm thế nào để phòng tránh?
Trào ngược dạ dày khi ngủ và triệu chứng thường gặp
Trào ngược dạ dày thực quản có thể diễn ra vào ban ngày hoặc vào ban đêm. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu thì những cơn trào ngược dạ dày khi ngủ vào ban đêm thường dễ xảy ra với mức độ nghiêm trọng cao hơn.
Trào ngược dạ dày khi ngủ là tình trạng dịch vị dạ dày trào lên thực quản trong lúc người bệnh ngủ. Tình trạng này kéo dài sẽ trở thành bệnh lý và gây ra những biểu hiện khó chịu như sau:
- Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng nhiều khiến hơi thở có mùi, dạ dày khó chịu.
- Đau tức, nghẹn vùng ngực và cổ, thậm chí đau tức lan ra cánh tay.
- Thở khò khè, khó thở, khó nuốt, sưng đau họng.
- Ho kéo dài do axit kích thích niêm mạc vùng thanh quản, họng.
- Buồn nôn, chán ăn.
- Khó ngủ, ngủ không sâu.
- Đến khi thức dậy người bệnh thường thấy đắng miệng, khàn giọng, hôi miệng, nhiều đờm ở cổ họng, đau họng…
Bệnh này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại gây khó chịu cho bệnh nhân. Đặc biệt nếu để lâu có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe.
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày lúc ngủ
Tình trạng trào ngược axit lên thực quản khi ngủ thường khởi phát do những nguyên nhân sau:
- Tư thế nằm ngủ: Trong tư thế nằm, dạ dày có vị trí ngang bằng với thực quản. Khi đó dịch vị chứa axit dễ trào lên thực quản gây trào ngược dạ dày lúc đang ngủ.
- Ăn quá khuya: Thói quen ăn khuya, khi gần đi ngủ sẽ kích thích dạ dày co bóp mạnh, tăng tiết dịch vị để tiêu hóa. Do vậy van tâm vị dạ dày bị áp lực khiến dịch vị dễ trào ngược lên thực quản khi ngủ.
- Dạ dày tiết nhiều dịch vị: Nhiều người mắc trào ngược dạ dày thực quản khi ngủ là do dạ dày tiết nhiều dịch vị hơn so với người bình thường.
- Stress kéo dài: Căng thẳng thường xuyên và kéo dài thường kích thích dạ dày co bóp nhiều hơn. Khi đó dịch dạ dày tăng lên, tạo điều kiện trào ngược lên thực quản, nhất là khi ngủ.
- Ăn uống sai cách: Ăn uống không điều độ, thiếu khoa học là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày khi ngủ. Sử dụng nhiều đồ uống và thực phẩm như rượu, cà phê, đồ cay, chua, đồ chiên xào… vào buổi tối vừa gây hại cho sức khỏe, vừa làm tăng nguy cơ trào ngược dịch vị dạ dày.
- Do các bệnh liên quan: Theo các chuyên gia bệnh trào ngược dạ dày lúc ngủ còn thường xảy ra ở những người bị bệnh về thực quản như: hẹp thực quản, viêm thực quản hay ung thư thực quản… Ngoài ra những bệnh nhân dạ dày như viêm dạ dày, nhiễm vi khuẩn Hp, đau dạ dày… cũng dễ bị mắc bệnh lý này.
Ngoài ra, trào ngược thực quản dạ dày khi ngủ còn có thể là hệ quả của quá trình mang thai, do thai nhi chèn ép lên dạ dày.
Trào ngược dạ dày khi ngủ có nguy hiểm không?
Trào ngược axit lên thực quản khi ngủ là tình trạng rất dễ gặp, thường tiến triển thành mãn tính. Nếu không được điều trị và kiểm soát tốt, bệnh có thể chuyển biến xấu, gây nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Viêm đường hô hấp: Dịch axit trào ngược lên sẽ làm bào mòn niêm mạc họng, gây khàn giọng, viêm họng, viêm thanh quản mãn tính, viêm amidan, viêm khí quản, viêm phế quản…
- Tổn thương thực quản: Axit trong dịch vị khi trào lên thực quản sẽ làm mòn thực quản, gây ra nhiều vấn đề như: Hẹp thực quản, loét thực quản, chảy máu thực quản, barret thực quản, ung thư thực quản.
- Mất ngủ, suy nhược cơ thể: Trào ngược khiến người bệnh khó thở, đau tức ngực và cổ khi ngủ. Do vậy, người bệnh thường bị mất ngủ, suy giảm tinh thần và suy nhược cơ thể trong thời gian dài.
- Gây ngưng thở: Trào ngược kích thích thanh quản co lại, làm hẹp đường thở và không cho không khí đi vào phổi. Do vậy bệnh nhân dễ bị ngưng thở. Thời gian ngưng thở có thể kéo dài vài phút nhưng cũng có thể lên đến 30 phút tới 1 giờ đồng hồ.
Bị trào ngược dạ dày khi ngủ phải làm sao?
Để hạn chế các cơn trào ngược dạ dày thực quản khi ngủ, người bệnh cần sớm điều trị thật tích cực và có sự điều chỉnh trong lối sống và chế độ ăn uống.
Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ
Khi có các triệu chứng trào ngược, người bệnh nên đi khám để được kiểm tra và nhận sự hỗ trợ từ bác sĩ.
- Thuốc chẹn H2 nhằm giảm tiết axit dạ dày.
- Thuốc kháng axit giúp tăng nồng độ pH nhằm hỗ trợ trung hòa axit dạ dày.
- Thuốc ức chế bơm proton giảm lượng axit do dạ dày sản xuất, cải thiện triệu chứng bệnh.
- Prokinetic làm rỗng dạ dày nhanh, ngăn ngừa trào ngược ban đêm
- Erythromycin thúc đẩy tiêu hóa thức ăn vào ban đêm
Những thuốc này có thể đi kèm nhiều tác dụng phụ như táo bón, tiêu chảy, mất tập trung… Vì vậy, người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà hoặc thay đổi liều lượng so với chỉ định của bác sĩ.
Thay đổi lối sống
Bên cạnh sử dụng thuốc, điều chỉnh lối sống cũng giúp hạn chế các cơn trào ngược khi ngủ. Người bệnh có thể thay đổi lối sống dựa trên những gợi ý sau:
- Nâng cao đầu khi ngủ: Ban đêm khi nằm ngủ, dạ dày và thực quản của chúng ta sẽ có vị trí ngang nhau nên axit dễ trào ngược hơn. Bạn có thể sử dụng một chiếc gối mềm để kê cao đầu khoảng 5 – 8 cm so với chân. Tư thế này giúp ngăn ngừa axit trào ngược dạ dày hiệu quả khi ngủ.
- Nằm nghiêng về bên trái: Nghiêng bên trái khi ngủ sẽ giúp giảm áp lực đối với dạ dày, giúp hạn chế dịch vị trào lên thực quản. Bạn có thể kê thêm một chiếc gối giữa hai đầu gối để duy trì lưng thẳng và tạo sự thoải mái.
- Mặc quần áo rộng rãi: Quần áo rộng rãi, nhất là khu vực ngực và thắt lưng sẽ giúp dạ dày hoạt động tốt hơn, giảm áp lực đối với dạ dày. Đồng thời quần áo rộng cũng giúp ngủ thoải mái hơn.
- Kiểm soát cân nặng: Thừa nhiều cân có thể làm tăng áp lực đối với dạ dày, khiến axit dễ trào ngược lên thực quan. Do đó người bệnh nên có kế hoạch giảm cân phù hợp và khoa học.
- Tập luyện thể dục thể thao: Các hoạt động rèn luyện cơ thể không chỉ làm tăng sức đề kháng mà còn giúp cải thiện hoạt động của cơ vòng thực quản và dạ dày, giúp điều hòa lượng dịch vị.
Giữ tinh thần thoải mái
Tinh thần thoải mái là một trong những yếu tố tiên quyết để sức khỏe ổn định, ngăn ngừa bệnh.
Để tránh ảnh hưởng đến dạ dày bạn không nên làm việc quá căng thẳng, luôn lạc quan, không nên suy nghĩ quá nhiều hay thức khuya.
Tinh thần tốt cùng với ăn uống điều độ sẽ giúp hạn chế bệnh trào ngược axit dạ dày thực quản khi ngủ.
Trào ngược dạ dày nên ăn gì, kiêng gì?
Chế độ và thói quen ăn uống có ảnh hưởng lớn tới tình trạng trào ngược dịch vị dạ dày, ngay cả khi thức lẫn lúc ngủ.
Để cải thiện bệnh trào ngược dạ dày, người bệnh có thể điều chỉnh thói quen ăn uống như sau:
- Hạn chế và kiêng sử dụng thực phẩm dễ gây trào ngược: Một số loại thực phẩm và đồ uống như: Đồ muối chua, đồ ăn cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, chocolate, cacao, bạc hà, sữa, hành, tỏi, ớt, thực phẩm nhiều axit (cam, quýt…), rượu, bia, cà phê, nước uống có ga … đều dễ gây ợ nóng, ợ chua, ợ hơi. Dùng những đồ ăn này kéo dài sẽ gây trào ngược dạ dày.
- Lên lịch ăn uống đúng giờ và không ăn quá khuya: Theo các chuyên gia thời gian ăn sáng tốt nhất là vào 7 giờ đến 8 giờ, ăn trưa là vào 12h30 đến 14 giờ, bữa tối tốt nhất nên ăn lúc 18 giờ đến 21 giờ. Bạn không nên ăn khuya khi đã quá 10 giờ giờ đêm. Bởi vì ăn khuya sẽ khiến dạ dày phải hoạt động nhiều khi ngủ, làm tăng dịch vị và dễ gây trào ngược.
- Giữ tinh thần thoải mái và thẳng người sau khi ăn: Căng thẳng sau khi ăn sẽ khiến dạ dày sản xuất nhiều dịch vị axit hơn. Bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng kết hợp với hít thở sâu để giúp tiêu hóa tốt hơn. Bên cạnh đó tránh cúi người hoặc nâng vật nặng vì có thể gây trào ngược. Thay vào đó bạn nên giữ tư thế thẳng lưng trên.
- Không nên ngủ ngay sau khi ăn: Ngủ ngay sau khi vừa ăn no là một sai lầm rất lớn. Thói quen này không chỉ khiến gây bệnh trào ngược axit lên thực quản khi ngủ mà còn gây ra nhiều bệnh khác. Bạn có thể bị đau dạ dày, chướng bụng, phù thũng mặt, tay chân… Ăn no đi ngủ ngay khiến cho lượng thức ăn trong cơ thể không thể tiêu hóa kịp. Lúc này dạ dày sẽ phải tiết ra lượng acid nhiều hơn hơn để tiêu hóa thức ăn. Cùng với đó, kết hợp tư thế ngủ sẽ khiến cho acid dễ trào ngược.
Làm thế nào để phòng ngừa trào ngược dạ dày khi ngủ?
Để tránh các cơn trào ngược xuất hiện khi đang ngủ, bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng tránh như sau:
- Nên ăn tối sớm, cách thời điểm đi ngủ khoảng 3 giờ.
- Không nên ăn tối quá đói hoặc quá no.
- Không ăn vặt lúc gần thời gian đi ngủ.
- Sử dụng thuốc kháng axit nếu có các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản để ngăn ngừa axit trào lên và hỗ trợ ngủ ngon hơn.
- Tránh sử dụng những đồ ăn dễ gây ợ nóng ợ chua, kích thích dạ dày.
- Trước khi ngủ có thể ngồi thiền, nghe nhạc, đọc sách để thư giãn, giải tỏa căng thẳng.
- Sử dụng gối kê cao đầu hoặc nằm nghiêng để hạn chế nguy cơ trào ngược.
Trào ngược dạ dày khi ngủ là một bệnh khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên không ít người vẫn còn xem thường bệnh lý này vì cho rằng bệnh không nguy hiểm.
Ngay khi có những triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn ngủ phù hợp. Nếu tình trạng nặng hơn cần tìm đến bác sĩ để có những tư vấn tốt nhất!