Huyết Trắng Màu Nâu
Huyết trắng màu nâu là tình trạng cho thấy nữ giới đã mang thai hoặc có thể do các bệnh lý, những rối loạn trong nội tiết gây ra. Với dấu hiệu này, cần có sự quan sát thường xuyên và sớm tới cơ sở y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân, từ đó có biện pháp chăm sóc cơ thể phù hợp.
Huyết trắng màu nâu là gì?
Huyết trắng màu nâu, còn được gọi là “khí hư nâu”, là một tình trạng phụ nữ thường gặp trong quá trình chu kỳ kinh nguyệt do cơ chế sinh lý tự nhiên. Nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bất thường sức khỏe hoặc do đã mang thai. Bởi ở trạng thái thông thường, huyết trắng sẽ có màu trắng trong, không kèm mùi và lỏng như lòng trắng trứng.
Theo đó, khi huyết trắng tiết ra có màu nâu, thậm chí mùi hôi tanh khó chịu, rất có thể chị em đã bị viêm nhiễm, tổn thương trong âm đạo, tử cung, mắc các bệnh viêm phụ khoa. Khi này, cần đến cơ sở y tế để thăm khám cụ thể.
Vì sao huyết trắng ra màu nâu?
Huyết trắng màu nâu được các bác sĩ xác định là do sinh lý tự nhiên của cơ thể khi đến tháng, mang thai hoặc cũng có thể do các bệnh lý gây ra. Chi tiết những nguyên nhân thường gặp như sau:
Có thai hoặc bị sảy thai
Huyết trắng màu nâu có thể là một trong những dấu hiệu của hai trạng thái: Có thai hoặc bị sảy thai.
- Huyết trắng màu nâu khi có thai: Đây là nguyên nhân phổ biến của huyết trắng màu nâu khi có thai. Khi trứng thụ tinh được gắn vào tử cung, có thể xảy ra một lượng nhỏ chảy máu nhẹ, gọi là máu báo thai và thường chỉ kéo dài trong vài ngày. Ngoài ra, sự thay đổi của hormone trong cơ thể khi mang thai cũng có thể làm thay đổi màu sắc của huyết trắng, làm cho nó trở nên màu nâu.
- Huyết trắng ra màu nâu khi bị sảy thai: Quá trình mang thai xảy ra các bất thường dẫn tới sảy thai sẽ có dấu hiệu khí hư màu nâu và kèm theo cảm giác đau bụng dữ dội, ngất xỉu,…
Chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng
Đây cũng là dấu hiệu dễ xuất hiện vào cuối hoặc đầu chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của phụ nữ.
- Cuối chu kỳ kinh nguyệt: Trước khi kinh nguyệt kết thúc, cơ thể có thể tiết ra một lượng nhỏ huyết trắng màu nâu. Điều này thường xảy ra khi lượng máu đã giảm và chất nhầy tử cung được loại bỏ ra khỏi cơ thể.
- Thời điểm rụng trứng: Trong một số trường hợp, huyết trắng màu nâu cũng có thể xuất hiện vào thời điểm rụng trứng ở giữa chu kỳ kinh nguyệt.
Nội tiết tố mất cân bằng gây ra huyết trắng màu nâu
Khi xảy ra mất cân bằng về nội tiết tố ở phụ nữ, chị em thường khó tránh khỏi tình trạng huyết trắng tiết ra có màu nâu. Trong đó, những yếu tố chủ yếu gây rối loạn hormone gồm có:
- Chuyển tiếp từ các giai đoạn dậy thì, tiền mãn kinh, sau sinh,…
- Thường xuyên sử dụng các loại thuốc tránh thai, thuốc nội tiết.
- Cơ thể không được nạp đủ dinh dưỡng thiết yếu.
- Căng thẳng lo lắng.
Bệnh viêm vùng chậu
Khi màu sắc của huyết trắng chuyển sang màu nâu, bệnh nhân có thể đã bị viêm nhiễm vùng chậu. Các tổn thương đi kèm thường là đau bụng dưới, đau rát khi quan hệ tình dục, dịch âm đạo có mùi khá khó chịu, chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn.
Các nguyên nhân của viêm vùng chậu có thể bao gồm nhiễm trùng từ vi khuẩn, vi rút hoặc nấm, viêm tử cung, viêm buồng trứng, nhiễm trùng tại ống dẫn trứng.
Viêm nhiễm âm đạo
Viêm nhiễm âm đạo thường đi kèm với các triệu chứng như tiết ra dịch âm đạo có màu sắc và mùi khác thường. Có thể là màu nâu hoặc dạng xanh, vàng. Bệnh khởi phát bởi vi khuẩn, nấm, sự thay đổi trong cân bằng pH âm đạo. Ngoài ra, các yếu tố như ăn uống không đủ chất, sử dụng thuốc kháng sinh, tiếp xúc với môi trường ẩm ướt cũng có thể tăng nguy cơ mắc viêm nhiễm âm đạo.
Tử cung bị u hoặc polyp
Nguyên nhân tiếp theo nữ giới cần chú ý là bệnh lý về u hoặc polyp tử cung.
U xơ tử cung là sự phát triển không bình thường của các tế bào trong tử cung. Khi u càng lớn, càng gây ra áp lực lên các mạch máu, dẫn đến việc tiết ra huyết trắng màu nâu. Polyp tử cung là một khối u nhỏ thường xuất hiện trong niêm mạc của tử cung, dẫn tới sự thay đổi màu sắc của huyết trắng và kéo theo nhiều biểu hiện khác.
Bệnh nhân sẽ thấy chu kỳ kinh nguyệt không đều, thường xuyên đau bụng dưới, ra nhiều huyết trắng hơn thường lệ.
Bệnh ở buồng trứng
Có một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến buồng trứng, bao gồm viêm nhiễm, u buồng trứng. Những bệnh này tác động tới huyết trắng, khiến dịch tiết ra có màu nâu bất thường. Bên cạnh đó, chị em sẽ dễ có các cơn đau bụng dưới, rối loạn kinh nguyệt, khi quan hệ tình dục có cảm giác đau rát và thậm chí là vấn đề vô sinh.
Khi nào nên đi thăm khám?
Nữ giới nên đi thăm khám khi phải tình trạng huyết trắng màu nâu và có các triệu chứng đi kèm sau đây:
- Huyết trắng màu nâu kéo dài: Nếu cơ thể liên tục tiết huyết trắng màu nâu sau một khoảng thời gian dài, đặc biệt l kéo dài qua nhiều chu kỳ kinh nguyệt.
- Đau bụng dưới: Thường xuyên cảm thấy đau hoặc không thoải mái ở vùng bụng dưới, đặc biệt là nếu đau kéo dài hoặc nặng hơn khi có huyết trắng màu nâu.01
- Kinh nguyệt không đều: Chu kỳ kinh nguyệt khó theo dõi hoặc kinh nguyệt ra quá nhiều.
- Mệt mỏi, khó thụ thai: Cơ thể thường xuyên mệt mỏi khó chịu, khó thụ thai dù đã có kế hoạch sinh con từ lâu.
Cách điều trị huyết trắng màu nâu hiệu quả
Đây không phải là tình trạng có thể chủ quan xem nhẹ, người bệnh nên sớm tới bệnh viện thăm khám để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cách điều trị thích hợp khi có bệnh lý. Dưới đây là các phương pháp kiểm soát huyết trắng màu nâu chi tiết:
Mẹo cải thiện tại nhà
Khi bị huyết trắng màu nâu, có thể dùng một số mẹo chăm sóc, cải thiện tại nhà. Nhưng chị em cũng lưu ý rằng, các phương pháp này không phù hợp với người bệnh nặng, bởi hiệu quả sẽ không quá cao.
Những cách được dùng phổ biến gồm:
- Trầu không: Dùng một nắm lá trầu không, rửa thật sạch rồi cho vào nồi, nấu với lượng nước vừa đủ đến khi sôi được khoảng 15 phút. Cho nước ra chậu, thêm vào muối trắng và xông vùng kín tới lúc nước nguội hoàn toàn. Lấy luôn nước để rửa một lần nữa.
- Diếp cá: Chuẩn bị một nắm lá diếp cá, 5 quả bồ kết và 1 củ tỏi, rửa sạch nguyên liệu rồi cho vào nấu cùng 1 lít nước. Nước cũng đem xông hơi tương tự lá trầu.
- Đậu bắp: Dùng 100g đậu bắp, rửa sạch rồi nấu sôi với 1 lít nước, sau 30 phút tắt bếp và để nguội. Chắt lấy phần nước đậu để uống vào các buổi sáng.
Tây y chữa huyết trắng màu nâu
Huyết trắng màu nâu thường sẽ được chữa trị bằng các phương pháp của Y học hiện đại để cho hiệu quả nhanh chóng. Khi này, tùy thuộc vào từng trường hợp sẽ có những phác đồ nội khoa hoặc ngoại khoa phù hợp. Chi tiết như sau:
Sử dụng thuốc:
- Thuốc Miconazole, Clotrimazole hoặc Fluconazole: Thuốc bao gồm cả loại đặt, uống kết hợp nhằm tăng cường hiệu quả. Qua đó giảm khí hư màu nâu, váng sữa, ngứa ngáy bởi các loại nấm tấn công.
- Metronidazol: Dùng trong trường hợp vùng kín có tạp khuẩn, khí hư vừa có màu bất thường vừa có mùi hôi tanh.
- Thuốc Flagyl: Nếu nữ giới có cả các dấu hiệu tiết khí hư kèm bọt khí, khi quan hệ tình dục xảy ra đau rát và đi tiểu buốt, bác sĩ sẽ hướng dẫn sử dụng loại thuốc này.
Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều loại thuốc khác được chỉ định trong quá trình điều trị, chị em cần phải thăm khám trực tiếp để được bác sĩ kê đơn.
Chữa ngoại khoa:
Khi việc dùng thuốc không có kết quả tốt hoặc bệnh có dấu hiệu ngày càng phức tạp hơn, cần có các biện pháp chữa trị ngoại khoa để kiểm soát kịp thời. Cụ thể như sau:
- Cắt bỏ u xơ hoặc polyp tử cung: Bệnh nhân cần thực hiện các kỹ thuật cắt bỏ khối u bất thường trong tử cung để bảo toàn sức khỏe.
- Cắt bỏ buồng trứng: Nếu có u ở buồng trứng, bệnh nhân bắt buộc phải cắt bỏ cả buồng và điều này đồng nghĩa sẽ không còn khả năng mang thai.
- Thông tắc vòi trứng: Nếu có các dấu hiệu tắc nghẽn, cần tiến hành thông tắc để loại bỏ viêm nhiễm và không gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Khi điều trị ngoại khoa, cần đảm bảo rằng cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm, chuyên môn vững. Hệ thống máy móc vật chất phải đảm bảo hiện đại, tiện tiến để cho kết quả tốt nhất, hạn chế tối đa các rủi ro.
Chia sẻ cách phòng ngừa huyết trắng màu nâu
Để ngăn chặn nguy cơ bị huyết trắng màu nâu do các vấn đề bệnh lý, nữ giới nên chăm sóc sức khỏe theo một số gợi ý dưới đây:
- Duy trì vệ sinh cá nhân hàng ngày bằng cách sử dụng nước sạch và sản phẩm vệ sinh phù hợp. Hãy dùng dung dịch làm sạch có thành phần dịu nhẹ để không làm tổn thương niêm mạc âm đạo.
- Duy trì hệ cân bằng vi sinh của âm đạo bằng cách tránh sử dụng quá nhiều sản phẩm hóa học hoặc thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Thăm khám định kỳ phụ khoa định kỳ để sớm nhận biết được những dấu hiệu bất thường tại vùng kín.
- Quan hệ tình dục lành mạnh, hạn chế quan hệ với nhiều người, nên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.
- Ăn uống cân đối dinh dưỡng, nên tập thể dục đều đặn và có đủ giấc ngủ khoa học.
- Nếu xảy ra bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sức khỏe sinh lý nữ, hãy tới bệnh viện để có sự tư vấn và điều trị từ các chuyên gia y tế.
Huyết trắng màu nâu không còn là tình trạng xa lạ hiếm gặp. Các chị em khi nhận thấy những dấu hiệu này kèm theo các triệu chứng đau rát, ngứa ngáy,… nên đi thăm khám sớm. Không nên tự ý mua thuốc về dùng tại nhà sẽ dễ gây ra biến chứng, làm quá trình chữa trị về sau gặp nhiều khó khăn hơn.