Viêm Da Ở Trẻ Sơ Sinh
Viêm da ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý về da liễu rất phổ biến. Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu và nắm bắt một số thông tin cơ bản để không quá hoang mang khi thấy con bị bệnh. Đồng thời, biết cách xử lý khi bệnh khởi phát để bảo vệ làn da non nớt của bé.
Viêm da ở trẻ sơ sinh là gì?
Viêm da là từ gọi chung cho một nhóm bệnh về da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh viêm da xuất hiện do cơ địa dị ứng hoặc vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài khiến da mẩn đỏ, ngứa ngáy.
Theo thống kê từ các bệnh viện lớn thì đa số các trường hợp viêm da trẻ sơ sinh đều liên quan đến cơ địa. Một con số đáng chú ý khác là có đến 90% trẻ sơ sinh đều gặp phải bệnh viêm da, có bé bị ngay từ khi mới sinh, có trẻ sẽ bị sau 1 tháng, 3 tháng…
Các dạng viêm da ở trẻ sơ sinh:
- Viêm da mủ: Bệnh viêm da ở trẻ 3 tuổi trở lại thường xuất hiện vào mùa hè, bé tiết nhiều mồ hôi và không được vệ sinh đúng cách. Khi bị viêm da mủ, bề mặt da nổi mụn thành từng đám, có đầu mủ trắng, tái phát nhiều lần làm tổn thương da.
- Viêm da dị ứng: Bệnh ngoài da, không bị lây lan kèm theo các triệu chứng như da khô, viêm đỏ, ngứa.
- Viêm da cơ địa: Là một dạng viêm da ở trẻ sơ sinh mãn tính, bệnh hình thành do yếu tố di truyền khi người thân có tiền sử hen suyễn, dị ứng… Các dấu hiệu viêm da cơ địa thường xuất hiện ngay sau khi trẻ sinh ra hoặc khi trẻ được vài tháng tuổi.
- Viêm da đầu: Bệnh hình thành do tác động của androgen từ mẹ truyền sang con. Hoạt chất này gây kích thích hoạt động của tuyến bã nhờn đặc biệt là ở vùng da đầu khiến bé bị lên cứt trâu dày và khó bong.
- Viêm da thể tạng: Viêm da thể tạng hay còn được gọi là chàm, bệnh mãn tính tái phát theo từng đợt khiến da bé bị khô, dễ kích ứng, phản ứng miễn dịch quá mức.
Bệnh viêm da trẻ sơ sinh có thể tự khỏi nếu được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách. Vì vậy các mẹ cần để ý đến những biểu hiện bất thường của trẻ, tránh để tình trạng kéo dài gây nên những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây bệnh viêm da
Đa số các trường hợp trẻ em bị viêm da đều do vi khuẩn gây nên. Do sức đề kháng và cấu tạo da trẻ sơ sinh còn non yếu nên càng dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Nguyên nhân khác gây nên viêm da ở trẻ sơ sinh có thể do thói quen chăm sóc bé hàng ngày.
Cụ thể:
- Sử dụng bỉm, quấn tã quá lâu khiến da không được thông thoáng. Đặc biệt khi bé đi vệ sinh mà không được thay rửa ngay, các enzym độc hại từ phân và nước tiểu dễ xâm nhập gây viêm da. Các mẹ cần hết sức lưu ý đến vùng da nhạy cảm như bẹn, mông, cơ quan sinh dục.
- Trẻ bị dị ứng với bỉm, hoặc bỉm có bề mặt thô ráp, cọ xát khiến da bị tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động.
- Viêm da ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện do yếu tố di truyền từ thế hệ trước. Các trường hợp này chỉ chiếm khoảng 10% tổng số ca mắc bệnh.
- Trẻ em bị viêm da do dị ứng môi trường như không khí ô nhiễm, chất liệu quần áo có lông, bụi khiến bé bị ngứa…
- Ngoài ra, một số trường hợp trẻ có thể bị dị ứng với đồ ăn mà mẹ nạp vào cơ thể.
Triệu chứng bệnh và dấu hiệu nhận biết viêm da ở trẻ sơ sinh
Dấu hiệu bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng cụ thể của từng bé. Một số dấu hiệu lâm sàng có thể nhận thấy bằng mắt thường như:
- Da bị nổi mụn nước, mẩn đỏ, bong tróc vảy, nặng hơn da sẽ bị viêm loét, nhiễm trùng sâu. Vị trí nổi mụn thường gặp ở đầu, mông, chân tay, cổ đặc biệt là ở những nếp gấp da, đọng nhiều mồ hôi.
- Da trẻ bị nổi mẩn đỏ xung quanh vùng quấn tã, bộ phận sinh dục hoặc một số bộ phận khác kèm theo mùi hôi khó chịu.
- Trẻ bị ngứa ngáy, hay quấy khóc, thường ngủ không sâu và bị giật mình khi ngủ.
Viêm da có nguy hiểm không?
Bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không là điều mà nhiều mẹ quan tâm. Về cơ bản viêm da thể nhẹ không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên chủ quan vì viêm da có thể chuyển biến thành nhiều bệnh lý nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
Một số biến chứng do viêm da thường gặp gồm có:
- Chảy máu, chảy mủ ở vị trí viêm: Vi khuẩn hoạt động mạnh khiến bệnh tình ngày càng nghiêm trọng, viêm nhiễm, mưng mủ, để lại tổn thương sâu trên da.
- Gây ra nhiễm trùng cấp tính: Viêm da thể nặng có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não, để lại di chứng khó khắc phục.
- Một số nguy cơ khác: Khi bị viêm da trẻ trở nên cáu gắt, biếng ăn, tụt giảm cân nặng và chậm tăng chiều cao.
Bác sĩ chẩn đoán viêm da ở trẻ sơ sinh
Bệnh viêm da trẻ em sơ sinh được chia làm nhiều cấp độ khác nhau. Thông qua thăm khám bên ngoài và tìm ra các biểu hiện đặc trưng, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng bệnh:
- Viêm da cấp tính: Xuất hiện nhiều đám mụn nước trên nền da đỏ, sưng phù, gây ngứa, vỡ nước.
- Viêm da bán cấp: Da ít bị sưng phù hơn, đã bắt đầu khô, đóng vảy và ít ngứa.
- Viêm da mãn tính: Da dày bì hơn, bong tróc vảy, gây ngứa.
Cách điều trị viêm da ở trẻ sơ sinh hiệu quả
Khi ba mẹ nhận thấy trẻ có dấu hiệu bị viêm da thì nên đưa bé tới các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp. Tránh để bệnh ủ lâu ngày, tái phát nhiều lần khiến da bị tổn thương sâu, khó điều trị, đồng thời phát sinh nhiều rủi ro ngoài ý muốn. Đặc biệt với các trường hợp viêm da ở trẻ em dưới 1 tuổi hoặc viêm da ở trẻ 3 tháng tuổi.
Chuyên gia hướng dẫn cách xử lý khi trẻ có dấu hiệu viêm da như sau:
Chữa viêm da cho bé bằng mẹo dân gian
Trường hợp viêm nhẹ, chưa bội nhiễm, có thể tắm cho trẻ bằng nước lá mát, mặc quần áo mềm, thoáng kết hợp sử dụng một số loại thuốc được kê đơn. Có rất nhiều loại lá thuốc có thể làm dịu viêm nhiễm da ở trẻ, các mẹ có thể sử dụng các loại lá sau:
Lá khế ngọt
Trong lá khế có chứa các thành phần kháng khuẩn, chống viêm nên có thể làm dịu các vị trí viêm nhiễm trên da của bé.
- Chuẩn bị: Lá khế ngọt rửa sạch, phơi khô, nước sạch.
- Thực hiện: Đun sôi nước rồi cho lá khế đã phơi khô vào đun cùng thêm 5 – 10 phút để các hoạt chất có trong lá khế phai ra nước. Chắt nước pha cùng với nước tắm cho bé hàng ngày.
Lá tía tô
Cây tía tô có chứa tinh dầu kháng khuẩn và một số loại vitamin tốt cho da như vitamin A, C. Vì vậy các mẹ có thể sử dụng lá tía tô để tắm cho trẻ hàng ngày, làm dịu da và hỗ trợ phục hồi thương tổn trên bề mặt da.
- Chuẩn bị: 1 bó lá tía tô, có thể dùng cả thân cành.
- Thực hiện: Lá tía tô rửa sạch cho vào nồi đun cùng với 5 lít nước khoảng 10 phút. Chắt lấy nước pha loãng tắm cho trẻ hàng ngày, thực hiện đều đặn trong 1 tuần để có kết quả tốt nhất.
Có thể sử dụng lá tía tô cùng với một số loại lá thảo mộc khác như lá đơn đỏ, sả, đinh lăng, lá cây trường sinh… Các loại cây này đều giúp làm mát, an toàn cho làn da của trẻ nhỏ.
Lá trà xanh
Trà xanh có rất nhiều công dụng, ngoài sử dụng làm thức uống trà xanh còn được dùng trong các công thức làm đẹp, chữa bệnh. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều đơn vị, trong trà xanh có chứa một số chất kháng viêm, giảm thâm hiệu quả. Do vậy mà lá trà xanh thường được dùng để làm giảm triệu chứng viêm da dị ứng, viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ.
Ngoài ra một số chất chống oxy hóa cũng được tìm thấy trong trà xanh giúp dưỡng ẩm và phục hồi tổn thương. Với bệnh lý viêm da ở trẻ sơ sinh thể nhẹ, các mẹ có thể dùng trà xanh đun lấy nước, tắm cho bé hàng ngày.
- Chuẩn bị: Lá trà xanh, muối hạt.
- Thực hiện: Mang lá trà xanh rửa sạch, loại bỏ bụi bẩn, vò nát sau đó cho vào nồi đun cùng với 5l nước. Bỏ thêm một ít muối hạt, đun trong khoảng 10 – 15 phút, chắt lấy nước pha tắm cho bé 3 – 4 lần/ tuần.
Chữa viêm da trẻ sơ sinh bằng thuốc Tây
Trường hợp trẻ bị viêm da bội nhiễm, lây lan trên diện rộng thì không thể điều trị bằng bài thuốc dân gian. Khi đó cần có sự hỗ trợ của một số loại thuốc Tây đặc trị theo kê đơn của bác sĩ.
Lưu ý, làn da của bé vô cùng nhạy cảm nên các mẹ không được tự ý dùng thuốc hoặc tăng giảm liều lượng. Như vậy vừa không mang lại kết quả mà còn gây nguy hiểm cho bé. Một số loại thuốc thường được kê chữa viêm da ở trẻ sơ sinh như sau:
- Trẻ bị viêm da cấp tính: Sử dụng dung dịch Jarish đắp lên vùng da tổn thương (bằng gạc) mỗi ngày 2 lần.
- Viêm da bán cấp: Bố mẹ sử dụng hồ nước, kẽm, kem có corticoid, protopic, kháng histamin bôi ngoài da theo hướng dẫn.
- Viêm da mãn tính: Sử dụng các loại thuốc mỡ kháng sinh, mỡ salicyle, protopic, thuốc chống ngứa, an thần bằng kháng Histamin…
Tốt nhất bố mẹ sử dụng các loại thuốc theo kê đơn của bác sĩ, không tự ý tăng, giảm liều lượng. Dùng thuốc từ 7 – 10 ngày không thuyên giảm cần liên hệ bác sĩ chủ trị để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Đông y điều trị viêm da ở trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện các cơ quan chức năng nên khó hấp thụ được dưỡng chất và loại trừ tạp chất có hại. Vì vậy, nhiều bố mẹ không muốn sử dụng các loại thuốc Tây vì sợ ảnh hưởng không tốt tới cơ thể con nhỏ, đặc biệt là các loại thuốc uống. Trong trường hợp này phụ huynh có thể tham khảo thêm một số cách điều trị bằng Đông y.
Nguyên liệu sử dụng trong các bài thuốc Đông y là thảo dược tự nhiên lành tính, an toàn cho bé. Không những loại bỏ các triệu chứng viêm nhiễm ngoài da, thuốc Đông y còn tác động vào căn nguyên gây bệnh, giúp bé tăng cường chức năng hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng. Đặc biệt hỗ trợ thanh lọc cơ thể, thải độc, ngăn ngừa viêm da tái phát.
Thuốc Đông y an toàn nhưng cũng không thể sử dụng bừa bãi. Bố mẹ nên đưa bé đến các trung tâm điều trị y học cổ truyền, Đông y thăm khám và làm theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Viêm da ở trẻ sơ sinh nên ăn gì và kiêng gì?
Chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị viêm da trẻ sơ sinh. Trường hợp viêm da ở trẻ 2 tuổi trở lên cần lưu ý đến thực đơn của bé. Đối với trường hợp viêm da ở trẻ dưới 1 tuổi thì bé sẽ hấp thụ dưỡng chất qua sữa mẹ nên thực đơn hàng ngày của mẹ cần thay đổi.
Trẻ bị viêm da cần tránh xa các món ăn sau đây:
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Chỉ nên cho bé ăn sữa mẹ, bên cạnh đó mẹ cần hạn chế dùng sữa bò hoặc phô mai, kem… trong sữa có chứa nhiều hoạt chất gây kích ứng viêm da.
- Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành: Trong đậu nành có chứa nhiều protein có thể gây dị ứng da và ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa của trẻ nhỏ.
- Trứng: Trong trứng có chứa hàm lượng protein dồi dào, tác nhân khiến tình trạng viêm da trở nên nặng hơn. Vì vậy mẹ không nên ăn trứng hoặc chế biến các món ăn dặm với trứng cho bé.
- Hạn chế ăn thịt chứa nhiều đạm: Lượng đạm quá nhiều có thể gây nên rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó quá trình chuyển hóa đạm phức tạp sản sinh ra nhiều thành phần không tốt cho da, có thể làm kích ứng vùng da bị viêm.
- Hạn chế ăn đồ nhiều dầu mỡ: Đồ ăn chiên rán, dầu mỡ gây cản trở hoạt động hệ miễn dịch và thải độc cơ thể, độc tố tích tụ dưới da gây viêm nhiễm nghiêm trọng hơn.
- Không nên ăn nho và các loại trái cây chứa nhiều salicylat: Thành phần salicylat có thể khiến viêm da cơ địa bùng phát dữ dội.
Ngoài ra các trường hợp viêm da ở trẻ sơ sinh có thể bổ sung một số thực phẩm cần thiết và hỗ trợ hồi phục da như:
- Các loại rau củ, trái cây tươi: Trong rau củ có chứa nhiều vitamin A và C rất tốt cho da, giúp tái tạo mô da bị tổn thương. Nhờ đó hỗ trợ phục hồi và rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
- Thực phẩm có chứa nhiều omega 3: Trong cá hồi, cá ngừ, các loại hạt quả hạch… có chứa nhiều omega 3 giúp kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ nhỏ.
- Chế biến món ăn với nghệ: Trong nghệ có chứa chất chống oxy hóa và kháng viêm giúp tăng sức đề kháng, ức chế hoạt động của vi khuẩn tại vị trí viêm da.
- Thực phẩm có chứa men vi sinh: Men vi sinh giúp cải thiện chức năng đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh, ngăn ngừa viêm da tái phát.
Cách phòng tránh viêm da trẻ sơ sinh hiệu quả
Làn da của bé nhạy cảm và rất dễ bị kích ứng bởi các tác nhân bên ngoài môi trường. Đừng để “nước đến chân mới nhảy”, bố mẹ hãy thực hiện các biện pháp ngăn ngừa để tránh xảy ra tình trạng viêm nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
Các bác sĩ da liễu khoa nhi có đưa ra một số lời khuyên để phòng bệnh viêm da ở trẻ sơ sinh như sau:
- Vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày sạch sẽ, không sử dụng các sản phẩm có tính kích ứng da mạnh.
- Thường xuyên thay tã, bỉm không để vi khuẩn có trong phân hoặc nước tiểu tiếp xúc với da bé quá lâu.
- Nên chọn loại bỉm có bề mặt mềm mại, khả năng thấm hút tốt.
- Lau khô vùng mông, bẹn, bộ phận sinh dục, cổ, chân tay bé trước khi mặc đồ, có thể sử dụng phấn rôm để ngăn ngừa hăm, kẽ.
- Có thể sử dụng một số loại thuốc mỡ hoặc kem dưỡng da dành riêng cho trẻ sơ sinh để bôi cho trẻ.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm, không nên nuôi động vật có nhiều lông trong nhà.
- Mẹ và bé không nên ăn quá nhiều thức ăn không tốt cho da.
Viêm da ở trẻ sơ sinh có nhiều cấp độ và biến thể. Khi bố mẹ thấy có dấu hiệu trẻ bị viêm da thì nên cho bé đi khám để sớm điều trị tận gốc, tránh để bệnh biến chứng nguy hiểm. Không nên tự ý sử dụng thuốc có thể làm ảnh hưởng tới chức năng và bề mặt da non nớt của bé.