Viêm Da Thần Kinh
Viêm da thần kinh là một trong những loại eczema phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng ngứa ngáy kéo dài. Bệnh lý này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà còn khiến thẩm mỹ làn da bên ngoài xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là điều các bác sĩ da liễu luôn khuyến cáo với người bệnh.
Viêm da thần kinh là gì?
Viêm da thần kinh là tình trạng tổn thương ngoài da thường chỉ xuất hiện trên một hoặc hai mảng da và không có khả năng lây lan rộng hơn. Các mảng da bị tổn thương bị chai sần, đóng vảy cứng màu xám đen hoặc bạc trắng. Bệnh còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như viêm da thần kinh khu trú hay hiện tượng liken hóa.
Tình trạng này có thể tấn công bất kỳ khu vực da nào trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở vùng cánh tay, vai, khuỷu tay, khuỷu chân, mắt cá, vùng sau gáy. Các vùng da hậu môn, bộ phận sinh dục hoặc mặt cũng có thể xuất hiện liken hóa khu trú nhưng tỷ lệ thường thấp hơn. Cảm giác ngứa ngáy dữ dội mà bệnh gây ra có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.
Theo các thống kê y tế, chỉ khoảng 12% dân số thế giới gặp phải tình trạng này. Trong đó, độ tuổi từ 30 đến 50 chiếm tỷ lệ cao hơn những lứa tuổi khác cũng như phụ nữ dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn đàn ông.
Một số nghiên cứu khác cũng tìm thấy mối liên hệ giữa viêm da thần kinh và các chứng bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc tiền sử di truyền trong gia đình.
Nguyên nhân viêm da thần kinh
Hiện nay, khoa học hiện đại vẫn chưa tìm ra lời giải cho vấn đề nguyên nhân của bệnh lý liken hóa. Theo Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Lê Phương – chuyên gia da liễu có hơn 40 năm kinh nghiệm, tình trạng này có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau đây:
- Căng thẳng thần kinh, chấn thương tâm lý, lo lắng quá độ, trầm cảm, stress trong một thời gian dài. Người bệnh khi gặp phải các vấn đề liên quan đến tâm lý thường rất dễ bị ngứa ngáy dai dẳng ngoài da.
- Các dây thần kinh nằm dưới da bị tổn thương do tác động của ngoại lực bên ngoài, ví dụ như trầy xước, va đập hoặc các vết cắt gây chảy máu.
- Vết cắn của các loại côn trùng gây thương tổn cho làn da.
- Mặc trang phục không phù hợp, quần áo bó sát vào cơ thể với các loại chất liệu tổng hợp dễ gây kích ứng cho da như polyester, rayon,…
- Người bệnh đang mắc phải các bệnh lý ngoài da khác như vảy nến, chàm, zona thần kinh,…
- Riêng đối với nữ giới, các yếu tố như sự thay đổi hormone nội tiết tố, nhiễm nấm âm đạo candida hoặc các bệnh lý đường tình dục khác cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của viêm da thần kinh.
Triệu chứng viêm da thần kinh
Người bệnh bị liken hóa khu trú thường gặp phải một số triệu chứng đặc trưng sau đây:
- Tình trạng ngứa ngáy: Ngứa được xem là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Người bệnh ban đầu chỉ cảm thấy râm ran trên vùng da nhưng sau đó tình trạng này có thể phát triển nặng hơn, đặc biệt là vào buổi đêm.
- Sự thay đổi của vùng da bị ngứa: Ban đầu, vùng da bị ảnh hưởng có màu đỏ hồng, khi sờ vào có cảm giác hơi sần, ráp ở lòng bàn tay. Nhưng lâu dần, mảng da này có thể trở nên bì cứng hơn, mà cũng sẫm hơn so với lúc đầu, một số trường hợp còn đóng vảy nâu đỏ hoặc bạc trắng gây mất thẩm mỹ.
- Nổi các nốt nhọt nhỏ: Nếu người bệnh liên tục dùng tay tiếp xúc với vùng da bị ngứa, tổn thương ngoài có thể tiếp xúc với vi khuẩn và gây nên tình trạng viêm nhiễm. Điều này rất dễ dẫn đến hiện tượng nổi nhọt bên trên khu vực da bị liken hóa hoặc hiện tượng áp xe sưng tấy ảnh hưởng nhiều đến thần kinh của người bệnh.
Tình trạng viêm da thần kinh có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia, viêm da thần kinh là một bệnh lý ngoài da không có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp được điều trị sớm, người bệnh có khả năng hồi phục hoàn toàn cũng như giảm thiểu được nguy cơ tái phát của bệnh.
Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, nó có thể phát sinh một số vấn đề sau đây:
- Gây mất thẩm mỹ làn da: Đối với nhiều người, nhất là chị em phụ nữ, làn da rất quan trọng. Khi mắc phải liken hóa khu trú, trên da thường xuất hiện những mảng sần đậm màu gây mất thẩm mỹ và cả sự tự tin, đặc biệt là khi chúng phát triển ở các vùng da dễ thầy như mặt, cổ, tay chân,… Một số bệnh nhân còn phải chịu sẹo vĩnh viễn cũng như việc màu da loang lổ không đồng đều dù đã kết thúc điều trị.
- Chất lượng giấc ngủ suy giảm: Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh là ngứa ngáy khó chịu kéo dài, đặc biệt là ngứa về đêm. Điều này dễ khiến giấc ngủ người bệnh bị ảnh hưởng, kéo theo đó là chất lượng cuộc sống suy giảm, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi và suy nhược.
- Ảnh hưởng đến đời sống sinh dục: Nếu liken hóa khu trú xuất hiện ở vùng da của khu vực sinh dục, việc quan hệ “chăn gối” của người bệnh ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng. Tình trạng này còn kéo theo tình trạng tâm lý căng thẳng, áp lực cũng như khiến tình cảm vợ chồng đi xuống.
Các phương pháp chẩn đoán viêm da thần kinh
Để chẩn đoán bệnh viêm da thần kinh, các bác sĩ có thể tiến hành các biện pháp sau đây:
- Xem xét các dấu hiệu bên ngoài da: Triệu chứng dễ nhận thấy nhất ở người bệnh là những vùng da sần ngứa, liken hóa thành từng mảng bên ngoài. Các bác sĩ có thể xem xét tình trạng này kèm theo việc tìm hiểu về tiền sử bệnh lý người bệnh, di truyền gia đình cũng vấn đề tâm lý bệnh nhân trong thời gian gần đây.
- Kiểm tra chuyên sâu: Để chắc chắn hơn về nhận định của mình, các bác sĩ có thể tiến hành lấy mẫu biểu bì và sinh thiết trong phòng thí nghiệm. Kết quả sinh thiết sẽ cho biết chính xác vấn đề mà người bệnh đang gặp phải để phân biệt với triệu chứng viêm da cơ địa cùng một số vấn đề da liễu khác.
Điều trị viêm da thần kinh
Do viêm da thần kinh khu trú không có nguyên nhân cụ thể gây ra, việc điều trị bệnh thường đi theo phác đồ điều trị của viêm da eczema, nhất là trong vấn đề cải thiện triệu chứng. Sau đó, tùy theo tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà các bác sĩ có thể thay đổi biện pháp chữa trị sao cho phù hợp nhất.
Dưới đây là một số cách điều trị bệnh thường thấy nhất:
Điều trị bằng các biện pháp dân gian
Các bài thuốc từ thảo mộc thiên nhiên thích hợp với các bệnh nhân ở mức độ nhẹ, giúp giảm ngứa và phòng tránh để lại sẹo về sau. Người bệnh có thể tham khảo một số mẹo vặt sau đây:
1. Bài thuốc từ nha đam
Chất gel lỏng có trong thân cây nha đam sở hữu rất nhiều tác dụng đối với làn da bị viêm ngứa và nổi sần. Theo các nhà khoa học, nha đam có chứa các đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, kháng siêu vi và làm lành da tổn thương nhanh chóng. Nha đam cũng an toàn với hầu hết mọi người, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ có thai.
Chuẩn bị: ½ thân cây nha đam tươi.
Cách thực hiện:
- Dùng dao lọc bỏ hết lớp vỏ xanh cứng bên ngoài.
- Phần thạch trong suốt bên trong đem cắt thành các lát mỏng.
- Đắp phần nhân nha đam đã thái lát lên vùng da bị ảnh hưởng từ 10 đến 15 phút hàng ngày.
2. Bài thuốc từ dầu dừa
Trong các loại tinh dầu thực vật, dầu dừa được xem là biện pháp hữu hiệu nhất đối với những người bệnh viêm da thần kinh giai đoạn đầu. Loại tinh dầu này có chứa nhiều axit béo, giúp cấp ẩm đầy đủ cho da. Bên cạnh đó, các hoạt chất chống viêm cũng giúp loại bỏ các mảng da sần và cải thiện tình trạng ngứa ngáy khó chịu.
Chuẩn bị: 1 thìa cà phê dầu dừa ở nhiệt độ phòng.
Cách thực hiện:
- Người bệnh vệ sinh làn da bị ảnh hưởng bằng nước ấm, dùng khăn bông lau khô.
- Dùng tăm bông thoa dầu dừa lên vùng da, để khô tự nhiên trong vài phút. Người bệnh có thể để qua đêm, không cần rửa lại sau đó.
3. Bài thuốc từ giấm táo
Giấm táo được sử dụng rất nhiều trong các vấn đề ngoài da, bao gồm cả chứng bệnh liken hóa khu trú. Trong giấm táo có chứa nhiều men vi sinh và hoạt chất lactic giúp vệ sinh nhẹ nhàng cho làn da viêm ngứa, ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn và giảm ngứa rất hiệu quả.
Chuẩn bị: 2 thìa cà phê giấm táo, 100ml nước ấm.
Cách thực hiện:
- Pha 2 thìa cà phê giấm táo vào 100ml nước ấm
- Dùng bông gòn thấm lẫy hỗn hợp này rồi thoa đều lên vùng da bị ảnh hưởng.
- Để hỗn hợp giấm táo trên da tự khô trong khoảng vài phút, không cần rửa lại bằng nước.
Điều trị viêm da thần kinh bằng phương pháp Tây y
Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm dù đã thực hiện các cách chữa viêm da thần kinh tại nhà nêu trên, người bệnh nên chuyển sang điều trị bằng Tây y. Tây y thích hợp với tất cả các trường hợp nặng nhẹ khác nhau với tác dụng hiệu quả và nhanh chóng.
Các loại thuốc tân dược
“Bị viêm da thần kinh uống thuốc gì?” là vấn đề khiến không ít bệnh nhân thắc mắc. Dưới đây là một số loại thuốc có thể giúp cải thiện tình trạng ngứa ngáy và mẩn đỏ, nổi sần bên ngoài da:
- Corticosteroids: Corticosteroids là thuốc chống viêm và giảm đau đặc tính mạnh. Loại thuốc này thường giúp người bệnh giảm thiểu nhanh chóng tình trạng sưng, ngứa ngáy, đau rát và làm mềm da. Corticosteroids được thoa trên các miếng dán rồi áp lên trên từng vùng da của người mắc bệnh lý viêm da.
- Chất ức chế histamine: Các loại thuốc ức chế kháng thể histamin thường được kê với những trường hợp người bệnh xuất hiện thêm triệu chứng dị ứng ngoài da, khiến cảm giác ngứa ngáy giảm đi đáng kể. Bệnh nhân nên sử dụng thuốc trị khi đi ngủ để giấc ngủ không bị gián đoạn bởi cơn ngứa khó chịu.
- Thuốc kháng sinh: Để phòng tránh khả năng nhiễm trùng da do vết thương hở, các bác sĩ có thể chỉ định thêm kháng sinh, ví dụ amoxicillin. Những thuốc kháng sinh cũng được dùng với các trường hợp bệnh nhân nhiễm nấm candida – một yếu tố thúc đẩy viêm da thần kinh phát triển.
- Thuốc bôi ngoài da: Bên cạnh các loại thuốc uống, người bệnh nên dùng thêm một số thuốc đặc trị viêm da thần kinh bôi ngoài như dưỡng ẩm, chế phẩm coal tar, kem bôi capsaicin. Những loại thuốc này đều có khả năng giảm ngứa ngáy, chống khô da và ngăn ngừa sự hình thành của mảng sần.
Các liệu pháp can thiệp ngoài da
Nếu tình trạng tổn thương của da nghiêm trọng hơn, nguy cơ để lại sẹo hoặc đổi màu da cao hơn, các chuyên gia có thể khuyến nghị bệnh nhân sử dụng thêm các liệu pháp ngoài da như:
- Điện phân xanh metylen: Phương pháp này giúp giảm ngứa, giảm viêm và tiêu trừ các mảng sần nhanh chóng và hiệu quả. Các bác sĩ sử dụng hóa chất metylen 1% thấm vào bông gạc đắp lên vết thương của người bệnh rối cho dòng điện 0,1 đến 0,3 Ma/1cm2 đi qua.
- Liệu pháp ánh sáng: Phương pháp này có thể dùng cho nhiều vùng da khác nhau, ngoại trừ bộ phận sinh dục và vùng gần mắt. Các bác sĩ sử dụng thiết bị chuyên dụng chiếu tia cực tím lên vùng da bị ảnh hưởng để tiêu diệt các tế bào da bị viêm và cải thiện tình trạng sần, cộm trên lớp biểu bì
Chế độ dinh dưỡng với người bệnh
Đối với những người bị viêm da thần kinh, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Sử dụng đúng loại thực phẩm có thể giúp cải thiện tình trạng khó chịu cũng như tăng cường hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương ở ngoài da.
Các thực phẩm nên tăng cường gồm có:
- Các loại sữa hạt từ hạnh nhân, yến mạch, óc chó, đậu nành, đậu xanh,… Đây không chỉ là những loại sữa tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn đem lại nhiều lợi ích với bệnh viêm da thần kinh.
- Nhóm rau xanh đậm chứa nhiều vitamin và các chất chống oxy hóa giúp tăng khả năng tái tạo làn da, cải thiện các triệu chứng của bệnh. Ví dụ như cà rốt, rau cải xoăn, rau súp lơ, cà chua, gấc,…
- Các loại trái cây họ cam với nguồn vitamin C dồi dào như quýt, bưởi, chanh vàng,… Chúng có tác dụng chống oxy hóa, cải thiện nhiều vấn đề về da, ức chế quá trình tổng hợp hắc tố melamin trên da,…
- Thịt cá biển ít đạm, giàu omega-3 như cá mú, cá chim, cá ngừ,…
Bên cạnh đó, người bệnh nên hạn chế tiêu thụ:
- Thịt động vật chứa nhiều cholesterol và protein như thịt heo, thịt đùi gà, thịt dê,… gây nhiều bất lợi cho các bệnh nhân bị bệnh da liễu như viêm da có mủ, viêm da cơ địa và cả viêm da thần ki
- Các loại đồ ngọt chứa nhiều đường hóa học và các chất phụ gia thực phẩm dễ gây kích ứng làn da như bánh kem, bánh donut, kẹo cứng, nước có gas,…
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ và gia vị cay nóng như gà chiên, khoai tây chiên, pizza, ớt, mù tạc, đậu nhức khấu,… Vì chúng có thể gây kích ứng da, khiến tình trạng viêm thêm trầm trọng.
- Các loại thức uống có chứa thành phần cồn ethanol như rượu bia. Đây vốn là các thức uống không tốt cho sức khỏe, với những người đang gặp vấn đề về da thì đồ uống chứa cồn lại càng không được khuyến khích.
Phòng tránh viêm da thần kinh
Để phòng tránh chứng bệnh viêm da thần kinh, mọi người nên chú ý một số vấn đề dưới đây:
- Tránh dùng tay hoặc bất kỳ dụng cụ nào khác chà xát nhiều lần lên vùng da có cảm giác ngứa ngáy. Thay vào đó, mọi người có thể sử dụng biện pháp chườm lạnh để làm giảm tình trạng khó chịu.
- Bổ sung thêm vào trong thực đơn hàng ngày nhiều loại thực phẩm dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe như rau quả, ngũ cốc nguyên hạt. Mọi người cũng nên bổ sung đầy đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Tránh để bản thân chịu nhiều áp lực, thư giãn và thả lỏng cơ thể nhiều hơn sau mỗi giờ làm việc căng thẳng. Mọi người có thể đọc sách, đốt nến thơm, nghe nhạc, ngâm mình trong nước ấm,….
- Lựa chọn các loại quần áo thoải mái, rộng rãi, chất liệu thấm hút mồ hôi như cotton. Tránh mặc các loại trang phục bó sát trong thời gian dài vì mồ hôi và chất bẩn có thể tích tụ và gây hại cho da.
- Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày, sử dụng các loại sữa tắm thành phần dịu nhẹ và có chứa glycerin để cấp ẩm cho da. Mọi người cũng nên vệ sinh bộ phận sinh dục sau khi phát sinh quan hệ để đảm bảo vùng kín không bị nhiễm nấm.
Viêm da thần kinh không phải vấn đề quá nghiêm trọng nhưng nó có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng làn da cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chính vì vậy, nếu bạn gặp phải tình trạng ngứa ngáy lâu ngày, bạn nên dành thời gian đi khám sớm để được điều trị và phòng tránh các biến chứng xấu về sau.