Viêm Da Tiếp Xúc Bội Nhiễm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan – Khoa Da liễuNguyên Trưởng khoa Nội, kiêm Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm là tình trạng da nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc virus. Bệnh lý không chỉ gây ra những vết sẹo rỗ, thâm trên da mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết và viêm mô tế bào. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng của tình trạng này và cách khắc phục hiệu quả nhất.

Thế nào là viêm da tiếp xúc dị ứng bội nhiễm?

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm là một trong những biến chứng phổ biến của bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng. Biến chứng này xuất hiện khi vùng da bị tổn thương nhiễm vi khuẩn, virus,… và gây ra tình trạng viêm nhiễm.

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm là gì?
Viêm da tiếp xúc bội nhiễm là gì?

So với các dạng viêm da tiếp xúc thông thường, viêm da tiếp xúc dị ứng bội nhiễm có tỷ lệ không cao nhưng thường có mức độ nghiêm trọng hơn, khó điều trị do có tiến triển phức tạp.

Đặc biệt, đây là bệnh dai dẳng, dễ tái phát, thường gây ra một số biến chứng nặng nề, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Do đó, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan khi có dấu hiệu mắc bệnh.

Một số nguyên nhân gây bệnh

Theo Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Lê Phương – chuyên gia da liễu có hơn 40 năm kinh nghiệm: Thông thường, người bệnh dễ mắc viêm da dị ứng khi tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, các chất tẩy rửa, xà phòng, mủ côn trùng, kim loại, thuốc bôi ngoài da, nhựa thực vật, phấn hoa,… Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều có đáp ứng tốt với thuốc điều trị và tình trạng bệnh thuyên giảm dần sau khoảng vài tuần.

Tuy nhiên, nếu gặp phải một số nguyên nhân và yếu tố thuận lợi sau đây, tình trạng bội nhiễm da rất dễ xảy ra.

  • Vệ sinh da kém: Sau khi tiếp xúc với chất kích ứng, làn da thường xuất hiện các nốt phát ban, nổi mụn nước dễ vỡ, chảy dịch tiết dẫn đến cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Lúc này, nếu người bệnh không vệ sinh và chăm sóc đúng cách, vi khuẩn, virus hoặc nấm rất dễ xâm nhập vào vết thương hở và gây viêm nhiễm.
  • Tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng: Viêm da tiếp xúc bội nhiễm xuất hiện do người bệnh tiếp xúc trực tiếp với tác nhân kích ứng, dị ứng. Vì vậy khi đã mắc bệnh, nếu không cách ly khỏi các tác nhân này, tổn thương da có xu hướng phát triển mạnh hơn, kéo dài và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Sức đề kháng cơ thể suy giảm: Những người có hệ miễn dịch và thể trạng kém thường có tốc độ hồi phục da chậm khi mắc viêm da tiếp xúc. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và gây ra viêm da tiếp xúc bội nhiễm.
  • Lạm dụng thuốc bôi corticoid: Corticoid là thuốc bôi có khả năng chống viêm và giảm dị ứng hiệu quả. Thông thường, loại thuốc này được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh da liễu với cơ chế hoạt động gây ức chế miễn dịch của da. Nếu lạm dụng nhóm thuốc này trong thời gian dài, sức đề kháng của da suy giảm dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nặng nề hơn.
  • Sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn: Viêm da tiếp xúc là bệnh da liễu có mức độ nhẹ nhưng khi người bệnh tùy tiện dùng thuốc sẽ khiến tổn thương da bị lở loét, chảy dịch kéo dài dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
  • Gãi, cào lên da: Viêm da tiếp xúc thường gây ngứa ngáy, nóng rát và khó chịu cho người mắc bệnh. Lúc này, nhiều người bệnh thường cào, gãi và chà xát lên da với mong muốn làm giảm cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến da bị xây xước, lở loét và tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và nấm xâm nhập vào sâu bên trong.
Cào hay gãi da là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này
Cào hay gãi da là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này

Dấu hiệu của viêm da tiếp xúc bội nhiễm

Không giống với viêm da tiếp xúc đơn thuần, viêm da bội nhiễm có thể gây ra cả triệu chứng tại chỗ lẫn triệu chứng toàn thân gồm có:

Một số triệu chứng tại chỗ

Các triệu chứng tại chỗ thường gặp gồm:

  • Vùng da bị viêm sưng đỏ và viêm nặng hơn so với thông thường.
  • Trên da xuất hiện các nốt mụn mủ kèm cảm giác sưng đau và nóng rát.
    Xuất hiện cảm giác ngứa và đau nhức nặng nề (mức độ đau tăng lên so với viêm da tiếp xúc).
  • Nếu không được điều trị kịp thời, toàn bộ vùng da xung quanh có thể bị sưng nề, đau nhức dẫn đến người bệnh có thể bị hạn chế khả năng vận động.

Một số triệu chứng toàn thân

Ngoài các triệu chứng tại chỗ, một số triệu chứng toàn thân đi kèm gồm có:

  • Sốt nhẹ hoặc thân nhiệt giảm so với bình thường.
  • Có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, khô họng.
  • Thông thường, triệu chứng toàn thân chỉ xảy ra khi viêm da tiếp xúc bội nhiễm tiến triển nặng và thường gặp ở những người có hệ miễn dịch suy yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi, bệnh nhân tiểu đường, nhiễm HIV,…

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm có phải là bệnh nguy hiểm không?

Bởi viêm da dị ứng tiếp xúc bội nhiễm là biến chứng của viêm da tiếp xúc nên tình trạng bệnh thường có mức độ nặng nề và diễn tiến phức tạp hơn so với bệnh ở giai đoạn mới khởi phát. Trong trường hợp được phát hiện kịp thời, bệnh có thể được điều trị hoàn toàn bằng cách sử dụng thuốc và chăm sóc đúng cách.

Tuy nhiên nếu người bệnh chủ quan không điều trị, viêm da tiếp xúc bội nhiễm có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Viêm mô tế bào: Đây được biết đến là một dạng nhiễm trùng thường xảy ra ở tổ chức liên kết của da. Về lâu dài, bệnh có thể dẫn đến áp xe dưới da, hoại tử, viêm gân và nhiễm khuẩn huyết.
  • Sẹo vĩnh viễn: Do da bị tổn thương sâu nên dễ để lại thâm sẹo. Với những người có làn da nhạy cảm và suy yếu, thâm sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn và không thể khắc phục hoàn toàn.
  • Nhiễm khuẩn huyết: Tình trạng viêm nhiễm da kéo dài có xu hướng bùng phát mạnh, đi vào tuần hoàn máu và gây nhiễm trùng huyết dẫn đến suy hô hấp, trụy tim mạch, sốc và tử vong.

Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh còn khiến người bệnh cảm thấy thiếu tự tin trong giao tiếp, tạo tâm lý căng thẳng và ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

  • Viêm da tiếp xúc cần kiêng gì, nên làm gì để khỏi hoàn toàn?

Chẩn đoán viêm da tiếp xúc dị ứng bội nhiễm thế nào?

Phương pháp chẩn đoán viêm da tiếp xúc dị ứng bội nhiễm chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng của người bệnh. Thông qua biểu hiện khởi phát đột ngột, tổn thương da điển hình kèm theo sự xuất hiện các nốt mụn mủ, cảm giác ngứa và đau nhức.

Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm máu, kết hợp với bệnh phẩm được lấy từ vùng da bị tổn thương để xác định nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời, người bệnh cũng cần phối hợp cung cấp cho bác sĩ về tiền sử dị ứng hoặc thông tin các bệnh đang mắc phải để có phương án điều trị phù hợp.

Giải pháp điều trị viêm da bội nhiễm hiệu quả

Để điều trị viêm da tiếp xúc bội nhiễm, cần ưu tiên kiểm soát bội nhiễm, cải thiện triệu chứng tại chỗ và toàn thân. Song song với đó để điều trị hoàn toàn, người bệnh cần được cách ly với tác nhân kích thích, cải thiện các triệu chứng tại chỗ và toàn thân nhằm kiểm soát nhiễm trùng, giảm tổn thương da và ngăn ngừa biến chứng. Cụ thể, các cách điều trị viêm da tiếp xúc được áp dụng hiện nay gồm có:

Áp dụng biện pháp điều trị từ Tây y

Khi thăm khám và điều trị tại bệnh viện, bác sĩ thường chỉ định sử dụng kết hợp thuốc uống và thuốc bôi ngoài. Tùy thuốc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân mà loại thuốc sẽ được chỉ định phù hợp:

Sử dụng thuốc uống điều trị

Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chính đối với bệnh viêm da tiếp xúc bội nhiễm. Trước tiên, các loại thuốc được chỉ định gồm thuốc uống như sau:

  • Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được chỉ định sử dụng trong điều trị viêm da tiếp xúc bội nhiễm với thời gian khoảng 7 – 15 ngày tùy vào mức độ viêm nhiễm. Một số loại kháng sinh được dùng phổ biến gồm có Amoxicillin, Ceftriaxon,…
  • Thuốc giảm đau và chống viêm: Thuốc giảm đau (Paracetamol) và chống viêm (NSAID) thường được dùng trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu đau, sốt. Tuy nhiên, nhóm thuốc này cần cẩn trọng khi sử dụng cho người có vấn đề về gan, thận, dạ dày và tim mạch.
Thuốc uống điều trị chủ yếu là kháng sinh và chống viêm
Thuốc uống điều trị chủ yếu là kháng sinh và chống viêm

Sử dụng thuốc bôi điều trị

Bên cạnh thuốc uống, thuốc bôi được sử dụng phổ biến với tác dụng sát trùng và khử khuẩn nhằm kiểm soát nhiễm trùng.

  • Dung dịch sát khuẩn: Khi da bị tổn thương ở giai đoạn cấp có mụn nước, vỡ, chảy dịch và lở loét, người bệnh sẽ được bác sĩ kê thêm dung dịch sát khuẩn có tác dụng sát trùng nhẹ, giảm viêm và làm dịu da như dung dịch Jarish, hồ nước,…
  • Thuốc kháng sinh dạng bôi: Khi da bị tổn thương ở giai đoạn mãn tính với dấu hiệu tổn thương da khô, có vảy tiết và bong tróc, người bệnh sẽ được chỉ định dùng kháng sinh dạng bôi ngoài để ức chế vi khuẩn.
  • Thuốc kháng virus và chống nấm: Với trường hợp bội nhiễm xảy ra do nấm hoặc virus. Lúc này, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân các loại thuốc chống nấm và thuốc kháng virus dạng bôi/ uống tương ứng với tình trạng bệnh cụ thể.

Ngoài ra, bác sĩ có thể xem xét triệu chứng bệnh và khả năng đáp ứng thuốc của từng trường hợp để chỉ định một số loại thuốc khác như thuốc kháng histamin, thuốc uống corticoid, thuốc bôi chứa Tacrolimus,…

Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người mắc bệnh

Ngoài việc chú ý sử dụng thuốc, người bệnh cần kết hợp với chế độ chăm sóc đúng cách để hỗ trợ điều trị, rút ngắn thời gian phục hồi và hạn chế thâm sẹo do viêm da tiếp xúc bội nhiễm gây ra. Chế độ chăm sóc khi mắc bệnh bao gồm:

  • Trong thời gian trị bệnh, người bệnh cần chú ý ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý. Tuyệt đối không làm việc làm việc quá sức, thức khuya, căng thẳng kéo dài…
  • Giữ vệ sinh vùng da bị tổn thương, nên sử dụng quần áo thông thoáng và rộng rãi để giảm ma sát lên da. Nếu có dấu hiệu ngứa ngáy khó chịu, người bệnh chỉ xoa nhẹ nhàng tránh chà xát mạnh và gãi, cào lên vùng da bị bệnh.
  • Chú ý bảo vệ da, tránh để da tiếp xúc với các yếu tố có khả năng khởi phát hoặc làm tình trạng bệnh thêm phần nghiêm trọng.
  • Uống nhiều nước, lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch và làn da như cá hồi, dâu tây, quýt, quả bơ, yến mạch, rau xanh, sữa chua,…
  • Người bệnh chú ý hạn chế vận động mạnh và lao động mạnh bởi những hoạt động này có thể khiến da đổ nhiều mồ hôi, làm gia tăng mức độ phù nề, viêm đỏ và đau rát.
  • Không sử dụng kem dưỡng hay các mẹo chữa viêm da tiếp xúc từ dân gian trong giai đoạn bội nhiễm. Các biện pháp này chỉ được áp dụng khi tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát và trên da không xuất hiện vết thương hở.
Người bệnh nên chú ý đến chế độ ăn hàng ngày
Người bệnh nên chú ý đến chế độ ăn hàng ngày

Cách phòng ngừa viêm da tiếp xúc bội nhiễm

Sau điều trị, viêm da tiếp xúc bội nhiễm vẫn có khả năng tái phát nếu người bệnh không chú ý chăm sóc cơ thể. Để làm giảm nguy cơ bệnh tái phát, người bệnh nên chú ý đến một số giải pháp phòng ngừa sau:

  • Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với hóa chất, kim loại, mùn cưa, nọc độc côn trùng, mủ thực vật, nước bị ô nhiễm,… Nếu phải tiếp xúc với xà phòng và các chất tẩy rửa khác, bạn nên chú ý sử dụng bao tay cao su và ủng.
  • Trong trường hợp bị viêm da tiếp xúc, cần phát hiện và điều trị trong thời gian sớm nhất. Tuyệt đối không chủ quan sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng viêm da.
  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể, thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm dưỡng da. Bảo vệ da bằng kem dưỡng ẩm phù hợp để tránh da bị tổn thương khi tiếp xúc với các yếu tố kích ứng/ dị ứng.
  • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên nhằm làm sạch môi trường sống, hạn chế nguy cơ tiếp xúc với côn trùng, nấm mốc và các yếu tố dị ứng khác.
  • Viêm da tiếp xúc có xu hướng phát triển mạnh ở những đối tượng có thể trạng và hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, người bệnh cần nâng cao sức khỏe và cải thiện chức năng đề kháng của cơ thể bằng cách xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt và luyện tập lành mạnh.

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm nên khám và điều trị ở đâu?

Viêm da bội nhiễm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, ngay khi phát hiện ra triệu chứng người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Dưới đây là một vài địa chỉ uy tín mà bạn đọc có thể tham khảo lựa chọn:

  • Bệnh viện Da liễu Hà Nội: Đây được biết đến là bệnh viện hàng đầu trong khám, chữa các bệnh liên quan đến viêm da trong đó có viêm da tiếp xúc bội nhiễm… Bệnh viện hội tụ rất nhiều bác sĩ giỏi, có chuyên môn cao cùng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư hiện đại. Địa chỉ tại 79B Phố Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội – Điện thoại liên hệ 090 347 96 19.
  • Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc: Là địa chỉ hàng đầu chuyên điều trị các vấn đề về da trong đó có viêm da bội nhiễm. Đơn vị hiện đang có 2 cơ sở gồm tại Hà Nội ở Biệt thự B31 ngõ 70 Nguyễn Thị Định, Thanh Xuân, điện thoại (024)7109 6699. Tại thành phố Hồ Chí Minh địa chỉ tại Số 145 Hoa Lan, phường 2, quận Phú Nhuận, TP. HCM, điện thoại liên hệ (028)7109 6699.
  • Bệnh viện Da liễu TW: Đây được biết đến là một trong những đơn vị khám chữa viêm da bội nhiễm uy tín toàn quốc. Địa chỉ bệnh viện tại 15A, Phương Mai, Hà Nội, điện thoại 1900 6951.
  • Viện da liễu Hà Nội – Sài Gòn: Đây là nơi hội tụ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong khám chữa viêm da, được nhiều bệnh nhân tin tưởng lựa chọn trong thời gian qua. Địa chỉ bệnh viện tại Số 123 Hoàng Ngân, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, Hà Nội, điện thoại liên hệ (024) 626 05 666 – 0983 058 939 và số 48B Đặng Dung, P. Tân Định, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, điện thoại liên hệ (028) 710 99 808 – 0903 047 368.

Về cơ bản, viêm da tiếp xúc bội nhiễm có thể được kiểm soát hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Ngược lại, nếu người bệnh chủ quan có thể khiến viêm nhiễm lan rộng, tiến triển nặng và gây hoại tử da. Vì vậy khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được chỉ định biện pháp điều trị phù hợp.