Trời Nóng Bé Bị Rôm Sảy
Trời nóng là thời điểm trẻ dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe – đặc biệt là rôm sảy. Rôm sảy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tuy nhiên tình trạng này có thể khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi và quấy khóc.
Những thông tin phụ huynh cần biết về rôm sảy khi trời nóng
Rôm sảy là từ dân gian được dùng để đề cập đến tình trạng da xuất hiện các mụn nước nhỏ, có màu đỏ. Các mụn nước này thường tập trung thành từng đám trên một vùng da.
Đây là bệnh lý ngoài da nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên tình trạng này có thể khiến trẻ bị ngứa ngáy và khó chịu.
Rôm sảy thường xuất hiện ở trán, đầu và những nơi có nếp gấp. Ở một số trẻ, triệu chứng này có thể xuất hiện trên diện rộng và toàn thân.
1. Nguyên nhân
Rôm sảy khi trời nóng thường do nhiệt độ và độ ẩm tăng cao khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Từ đó dẫn đến tình trạng mồ hôi bị giữ lại bên dưới da và hình thành những nốt mụn nước nhỏ.
Ngoài ra, một số yếu tố cũng có thể làm tăng nguy cơ bị rôm sảy khi trời nóng, bao gồm:
- Mặc quần áo dày, chật: Đây là nguyên nhân khiến da bí bách và ứ đọng mồ hôi. Độ ẩm cơ thể cao khiến vi khuẩn xâm nhập và gây ra các mụn nước nhỏ trên da.
- Mang tã thường xuyên: Tã quần có thể ma sát và gây tổn thương lên vùng da của trẻ nhỏ. Ngoài ra thói quen mang tã thường xuyên còn làm tăng thân nhiệt của trẻ và tạo điều kiện cho các vấn đề về da phát sinh.
- Di truyền: Một số trẻ có người thân cận huyết bị rôm sảy có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.
- Vệ sinh kém: Vệ sinh kém khiến mồ hôi không được làm sạch hoàn toàn. Lượng mồ hôi, bã nhờn tích tụ trong lỗ chân lông sẽ gây ra các mụn nước nhỏ trên da.
- Không khí nóng, ẩm: Tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh trên da.
Rôm sảy thường biến mất sau khoảng vài ngày đến một tuần. Tuy nhiên nếu không điều trị đúng cách, da có thể bị nhiễm khuẩn và phát sinh mụn mủ.
2. Khi nào gặp bác sĩ?
Hầu hết các trường hợp rôm sảy do trời nóng có thể tự điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên trong một số trường hợp, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện khi nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng.
Đưa trẻ đến bệnh viện khi có các triệu chứng sau:
- Cơn đau trở nên nghiêm trọng, gây sưng đỏ và nóng ở các khu vực xung quanh
- Có mủ chảy ra từ các mụn nước
- Hạch bạch huyết sưng ở nách, cổ và háng
- Sốt và ớn lạnh
Cách khắc phục và phòng tránh rôm sảy khi trời nóng
1. Cách khắc phục
Khi trẻ bị rôm sảy, bạn cần chú ý đến quá trình vệ sinh da và giữ cho cơ thể khô thoáng.
Trước tiên, bạn cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà:
- Vệ sinh cho trẻ thường xuyên để làm sạch mồ hôi trên cơ thể. Ngoài ra, cần thay tã thường xuyên để tránh hiện tượng vi khuẩn sinh sôi và khiến tình trạng rôm sảy trở nên nghiêm trọng hơn.
- Mặc quần áo rộng rãi và thấm hút để hạn chế tình trạng bít tắc mồ hôi.
- Sử dụng phấn rôm để hút ẩm và giữ da khô thoáng.
- Không nên dùng sữa tắm hay xà phòng cho trẻ. Thay vào đó nên dùng nước ấm cho thêm một ít nước chanh để sát khuẩn và làm sạch da một cách dịu nhẹ.
- Giữ khu vực trẻ nằm sạch sẽ và khô thoáng. Vệ sinh mền và gối thường xuyên.
Nếu tình trạng rôm sảy ở trẻ không thuyên giảm khi thực hiện các biện pháp trên, bạn nên gặp bác sĩ để được chỉ định loại thuốc bôi thích hợp.
Thông thường, các loại thuốc corticosteroid tại chỗ sẽ được sử dụng để làm giảm các triệu chứng rôm sảy. Bên cạnh đó bác sĩ có thể cho trẻ dùng thuốc kháng histamine để làm giảm ngứa ngáy và sưng viêm.
Với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi, bạn không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ. Da của trẻ ở những độ tuổi này thường rất mỏng và dễ kích ứng với các thành phần có trong thuốc.
2. Phòng ngừa
Để hạn chế tình trạng rôm sảy khi trời nóng, bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Tắm rửa cho trẻ thường xuyên (2 lần/ ngày). Nên sử dụng nước mát để tắm. Tắm bằng nước ấm có thể khiến da mất lớp ceramide và dễ bị tổn thương khi có tác động từ bên ngoài.
- Giữ không gian nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ.
- Mặc quần áo rộng rãi cho trẻ
- Bổ sung các thực phẩm có tính mát cho trẻ như trái cây, rau xanh, các loại đậu,…
- Khuyến khích trẻ uống đủ nước mỗi ngày
Nếu sau khoảng vài ngày điều trị tại nhà nhưng triệu chứng ở trẻ không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu nặng nề hơn, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ da liễu. Tình trạng chủ quan ở một số phụ huynh có thể khiến triệu chứng trên da phát triển và gây đau đớn nặng nề.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!